Ấm áp nơi nương tựa của những người kém may mắn

05/04/2023 - 07:31

 - Không kể quãng thời gian trước, mỗi người trong số họ sinh ra, lăn lộn trong đời như thế nào… Nhưng khi đặt chân vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh An Giang thì những phận đời khác nhau đã xem nơi đây là ngôi nhà thứ hai. Trọn phần đời còn lại, họ được chăm sóc, quan tâm, đón nhận tình cảm của cả cộng đồng.

Những sinh hoạt vui tươi thêm gắn kết thành viên ở “mái nhà chung” Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh An Giang

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh An Giang là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Hiện nay, trung tâm đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 240 đối tượng, gồm: Người già, trẻ em, người lang thang, xin ăn. Trong đó, có trên 60% người tâm thần, có 50 người bại liệt không tự chăm sóc được bản thân. Những người vào đây được quan tâm đảm bảo chế độ, tiêu chuẩn suất ăn 3 buổi/ngày, chế độ tiền ăn theo quy định Nghị định 20/NĐ-CP của Chính phủ, với định mức 1,440 triệu đồng/người/tháng. Mỗi ngày, 3 bữa ăn chính do các nhà hảo tâm hỗ trợ một phần kinh phí; còn lại, trung tâm bổ sung trái cây, sữa chua, nấu thêm các bữa ăn ngon chia đều trong tháng, nhân dịp các ngày lễ, Tết…

Gắn bó với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh An Giang, cán bộ, nhân viên đặt "cái tâm" lên trên hết. Cảm thông cho những mảnh đời kém may mắn, không có điểm tựa gia đình, các anh chị công tác tại đây luôn trăn trở, xây dựng môi trường thân thiện và các hoạt động gắn kết thiết thực. T​rưởng ​phòng Công tác xã hội và ​P​hát triển cộng đồng Trần Tống Quang Triết cho biết, dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày giải phóng miền Nam 30/4, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10... trung tâm đều có các hoạt động để mọi người được vui chơi, sinh hoạt văn nghệ và nhận quà.

Thời gian qua, cơ sở vật chất của trung tâm tuy đã được xây dựng, sửa chữa bổ sung, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu để lưu trú đối tượng là người tâm thần kích động. Công tác chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng còn gặp nhiều khó khăn, do không tuyển được bác sĩ. Trong khi đó, nhu cầu khám, điều trị bệnh cho đối tượng tại chỗ rất cần thiết, vì điều kiện đi đứng, di chuyển của các cụ già, người khuyết tật, người tâm thần, người bại liệt rất khó khăn. Phần lớn đối tượng bị bệnh phải đưa đến các bệnh viện trong và ngoài tỉnh để điều trị, trong khi đội ngũ cán bộ y tế trung tâm chỉ đáp ứng việc khám, điều trị các bệnh thông thường.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh An Giang Dương Thúy Ngân, đối tượng bảo trợ xã hội rất cần người chăm sóc, quản lý có kiến thức, kỹ năng công tác xã hội chuyên nghiệp để giải quyết vấn đề. Thời gian qua, trung tâm đã tuyển thêm viên chức có chuyên môn chuyên nghiệp, cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn công tác xã hội... nhưng chưa đáp ứng nhu cầu cần trợ giúp thực tế. Tại trung tâm, nhân viên chăm sóc trực tiếp cho các đối tượng còn thiếu so với quy định. Do công việc đặc thù, nên rất khó tuyển được viên chức.

Theo trình tự, các đối tượng bảo trợ đến trung tâm sẽ được rà soát, tư vấn, phân loại, lập phiếu tư vấn ban đầu, liên hệ gia đình, địa phương cho đối tượng hồi gia, nơi cư trú. Khi đủ điều kiện ở lại trung tâm, họ sẽ được tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật, cách phòng, chống dịch bệnh và sinh hoạt các nội quy, quy chế. Lâu dài, dưới mái nhà chung, những con người xa lạ được gắn bó nhau qua các hoạt động vui chơi, giải trí.

Để nâng cao chất lượng đời sống cho các đối tượng tại trung tâm, ban giám đốc đã kết nối để dạy nghề cho 10 người học làm hoa giả. Sản phẩm hoàn thiện được giới thiệu cho 1 công ty chuyên bán hàng lưu niệm ở Vũng Tàu. Trung tâm còn chuẩn bị mở thêm lớp dệt chiếu do một cơ sở trên địa bàn TP. Long Xuyên đào tạo. Sản phẩm sẽ ưu tiên phục vụ cho những người đang sống và sinh hoạt tại đây, kế đến là tạo thêm nguồn thu cho người trực tiếp làm ra sản phẩm.

Riêng các em nhỏ đang được nuôi dưỡng tại trung tâm, được tạo điều kiện học văn hóa, học nghề, hướng nghiệp. Hầu hết các em vào đây là trường hợp bị bỏ rơi, có cha hoặc mẹ phạm pháp bị kết án tù. Hiện tại, có 1 em đang học đại học, 3 em học tiểu học, 1 em học THCS và 1 học mẫu giáo. Các em được nuôi dưỡng, giáo dục và học tập.

Trong đó, 1 em đang học đại học ngành công nghệ thông tin sắp tốt nghiệp ra trường; 1 em đang vừa học vừa làm nghề in lụa, tự tích góp được hơn 30 triệu đồng. “Chúng tôi đang định hướng và kết nối cho các cháu sớm có việc làm, nơi ở ổn định bên ngoài để hòa nhập cộng đồng. Trong quá trình đó, cán bộ vẫn quan tâm, theo dõi để có sự giúp đỡ kịp thời khi các cháu gặp khó khăn” - ​anh Trần Tống Quang Triết cho hay​.

Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, thời gian qua, trung tâm nhận được sự đóng góp đáng kể về vật chất của các tổ chức xã hội - từ thiện, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Qua đó giúp một phần trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng đang được nuôi dưỡng. Năm 2022, trung tâm đã vận động được tiền mặt và hiện vật hơn 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn vận động được một số máy giặt, mái che di động, xây dựng được phòng tang lễ thờ cúng người qua đời. Tiêu chí của cán bộ, nhân viên tại trung tâm là phải làm tốt nhất các công việc trong khả năng để lãnh đạo và nhà hảo tâm thấy được ý nghĩa bảo trợ cho những người yếu thế kém may mắn. Từ đó, tăng cường quan tâm, đồng hành và chia sẻ để các đối tượng sinh sống tại trung tâm được chăm lo tốt hơn.

MỸ HẠNH