Ấm mãi những tấm lòng

24/07/2019 - 07:15

 - Bên cạnh các mô hình từ thiện như: xây cầu, cất nhà Tình thương, hiến máu nhân đạo... mô hình bếp ăn từ thiện phục vụ cơm, cháo, nước miễn phí trong bệnh viện được bà con tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) thực hiện từ rất lâu. Hiện nay, mô hình được nhân rộng ở nhiều địa phương, không chỉ ở các bệnh viện mà còn ở khu dân cư, trường học, trở thành phong trào mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Hoạt động trên 30 năm, Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa Phú Tân (Phú Tân) được xem như cái nôi của mô hình ý nghĩa này. Ban đầu chỉ là Tổ nấu nước sôi phục vụ 24/24 giờ cho bệnh nhân, được sự ủng hộ của đông đảo bà con, nay có thêm cháo trắng buổi sáng, cơm trưa, ăn chiều. Ngoài ra, còn hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân nghèo, mua xe chuyển viện miễn phí, cử người chăm sóc các cụ già neo đơn trong những ngày nằm viện, hỗ trợ chôn cất miễn phí cho người nghèo... Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Đa khoa Phú Tân Trần Công Tâm, tín đồ PGHH luôn coi từ thiện là bổn phận, trách nhiệm, chính vì vậy, hàng ngày họ vui vẻ, kiên trì với công việc thiện nguyện của bản thân, không đòi hỏi sự hồi đáp. Đây là nguyên nhân mà các phong trào từ thiện được duy trì, ngày càng nở rộ và phát triển rộng khắp. Hiện đang nuôi người thân đang điều trị ở Bệnh viện Đa Khoa Phú Tân, anh Nguyễn Văn Tính chia sẻ: “Nhờ những bữa cơm miễn phí giúp gia đình tôi giảm bớt gánh nặng. Các cô, chú nấu ăn rất vừa miệng, ngày nào cũng đổi món, đầy đủ các loại rau, củ, nóng hổi lại tươm tất, sạch sẽ, nhờ vậy bữa cơm nào cũng rất ngon”.

Những bếp cơm từ thiện được duy trì nhờ tấm lòng thiện nguyện của đông đảo bà con

Từ 30 năm nay, gian bếp của điểm nấu cháo từ thiện Hồng Phước (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) chưa một ngày tắt lửa. Nhờ vậy mà từ sáng sớm hàng trăm suất cháo được trao đến tận tay thân nhân, bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Tim mạch, Bệnh viện Sản - Nhi An Giang. Ông Lữ Văn Thư và vợ là người trực tiếp đứng nấu, với sự chung sức giúp đỡ của bà con trong và ngoài tỉnh. Ông Thư là người có công vận động cộng đồng khai sinh chiếc xe chuyển bệnh miễn phí đầu tiên ở An Giang. Người góp gạo, người góp đậu, đường, muối, tiêu... nhờ vậy nồi cháo duy trì được đến ngày nay. Những ngày mới bắt đầu, số lượng gạo nấu cháo không nhiều, nhưng từ khoảng 20 năm trở lại đây, số gạo dùng nấu cháo tăng lên, trung bình mỗi ngày nấu khoảng 55kg gạo. Bên cạnh đó, còn phải kể đến những thứ ăn kèm như: đường, muối tiêu, dưa mắm cũng được chuẩn bị tươm tất. “Tiếng lành đồn xa, mình chỉ góp công nhưng nhờ tạo được uy tín nên không cần đi vận động, bà con tự đến quyên góp. Có hôm, mở cửa nhà ra thì thấy có bao gạo, cây đường... để duy trì nồi cháo” - ông Thư cho hay.

Mọi người đều có tấm lòng giúp đỡ người nghèo khó hơn mình

Điểm cơm chay miễn phí Phước Thiện do ông Nguyễn Văn Tấn (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) khởi xướng và phụ trách. Bếp cơm phục vụ cho mọi người ăn tại chỗ và đem về (thân nhân, người bệnh). Theo ông Tấn, nguồn lương thực, thực phẩm, gia vị… được các nhà hảo tâm gần xa đóng góp, nhất là lượng lớn rau, củ được các tiểu thương ở chợ đầu mối Long Xuyên chở đến ủng hộ hàng ngày. Hiện nay, mỗi ngày, điểm cơm chay nấu từ 150-200kg gạo, gấp 2-3 lần so với kế hoạch dự kiến ban đầu. “Dù phải thức sớm để làm việc nhưng chẳng ai nề hà. Mỗi người mỗi việc, ai cũng muốn làm thật nhanh, nấu thật ngon để phục vụ được nhiều người; người góp của, người góp công. Đây là niềm vui lúc tuổi già” - chú Nguyễn Văn Đông (phụ trách một trong nhiều tổ nấu ăn ở điểm cơm chay Phước Thiện) chia sẻ.

Những bữa cơm, cháo miễn phí, “Cửa hàng quần áo 0 đồng” phục vụ cho người nghèo, xe chuyển bệnh miễn phí... được mở ra ở khắp nơi. Đây là một trong số rất nhiều việc thiện được bà con tín đồ tích cực thực hiện ở các địa phương nhằm lan tỏa truyền thống tốt đẹp.

ÁNH NGUYÊN