Ấn Độ và Pakistan 'cầu viện' EU để giải quyết xung đột theo những cách khác nhau

17/05/2025 - 19:32

Vụ khủng bố đẫm máu tại Kashmir khiến Ấn Độ - Pakistan lao vào cuộc đối đầu căng thẳng nhất thập kỷ. Trong khi New Delhi muốn EU gia tăng sức ép, Islamabad lại kỳ vọng EU làm “trọng tài hòa giải”. Liệu EU có thể giữ thăng bằng giữa hai quốc gia có vũ khí hạt nhân ở Nam Á?

Tòa nhà Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang tin châu Âu Euronews.com ngày 16/5, căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân Ấn Độ và Pakistan sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Kashmir đã đẩy mối quan hệ song phương xuống một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất trong nhiều năm qua. Trong bối cảnh đó, cả hai quốc gia đều tìm kiếm sự hỗ trợ từ Liên minh châu Âu (EU), nhưng với những cách tiếp cận và mục tiêu khác nhau.

Vào cuối tháng 4 vừa qua, vụ tấn công khủng bố tại Pahalgam, thuộc tỉnh Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, đã cướp đi sinh mạng của 26 thường dân, chủ yếu là khách du lịch theo đạo Hindu. Vụ việc này, với tính chất tàn bạo và số lượng thương vong lớn, đã gây chấn động dư luận Ấn Độ và làm gia tăng căng thẳng với Pakistan.

Ấn Độ cáo buộc "các nhóm khủng bố có trụ sở tại Pakistan" đứng sau vụ tấn công, đồng thời lên tiếng phản đối mạnh mẽ về việc "Pakistan hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới". Để đáp trả, Ấn Độ đã đình chỉ Hiệp ước Nước Indus, trục xuất các nhà ngoại giao Pakistan và đóng cửa biên giới.

Pakistan kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến khủng bố, cho rằng Ấn Độ đang "vũ khí hóa lời nói dối, vũ khí hóa vấn đề khủng bố" để leo thang căng thẳng. Pakistan cũng thực hiện các biện pháp trả đũa, bao gồm đình chỉ Hiệp định Simla, hạn chế thương mại và đóng cửa không phận.

Ấn Độ tìm kiếm áp lực từ EU

Đại sứ Ấn Độ tại EU, Saurabh Kumar, nhấn mạnh tính chất tàn bạo của vụ tấn công Pahalgam, trong đó các du khách Ấn Độ và một công dân Nepal bị sát hại dã man. Ông Kumar khẳng định chính phủ Ấn Độ đã hành động "rất cụ thể, có mục tiêu và có tính toán" nhằm "xóa bỏ cơ sở hạ tầng khủng bố hiện hữu ở phía Pakistan".

Về vai trò của EU, Đại sứ Kumar cho rằng khối này có "rất nhiều đòn bẩy kinh tế đối với Pakistan" và cần truyền tải mạnh mẽ thông điệp yêu cầu Pakistan "từ bỏ mạng lưới khủng bố mà họ hỗ trợ trong lãnh thổ của mình". Ấn Độ muốn EU gây áp lực buộc Pakistan phải phá bỏ "mọi loại hoạt động để [chủ nghĩa khủng bố] phát triển".

Đáng chú ý, Ấn Độ bác bỏ mọi hình thức hòa giải quốc tế hoặc do EU dẫn đầu trong vấn đề Kashmir. Đại sứ Kumar tuyên bố rõ ràng rằng điều kiện tiên quyết để Ấn Độ tham gia vào các cuộc đàm phán song phương trực tiếp với Pakistan là Pakistan phải "từ bỏ khủng bố xuất phát từ đất nước mình".

Pakistan kêu gọi vai trò trung gian của EU

Trái ngược với lập trường của Ấn Độ, Pakistan hoan nghênh những nỗ lực quốc tế nhằm giảm căng thẳng, bao gồm cả sự can thiệp cùng các cuộc điện đàm của Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Kaja Kallas.

Đại sứ Pakistan tại EU, Rahim Hayat Qureshi, nhấn mạnh vai trò quan trọng của EU trong "trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ". Ông Qureshi cảnh báo rằng tình hình hiện tại "không chỉ liên quan đến Ấn Độ và Pakistan" mà còn liên quan đến "chủ nghĩa đơn phương".

Pakistan lo ngại về nguy cơ "các cuộc tấn công bằng tên lửa xảy ra giữa hai nước có vũ khí hạt nhân". Do đó, Pakistan kêu gọi sự tham gia của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả EU, trong vai trò trung gian hòa giải.

Đại sứ Qureshi khẳng định Pakistan sẵn sàng tham gia "đàm phán, tham vấn, hòa giải, cũng như bất cứ điều gì để đảm bảo rằng pháp quyền được tôn trọng giữa hai quốc gia". 

Trong bối cảnh trên, EU tuần trước đã ra tuyên bố lên án vụ tấn công khủng bố ở Pahalgam và khẳng định quyền của mọi quốc gia trong việc bảo vệ công dân khỏi khủng bố. Đồng thời, EU kêu gọi cả Ấn Độ và Pakistan giảm căng thẳng và ngừng các hành động thù địch để bảo vệ tính mạng của thường dân.

Tình hình hiện tại cho thấy sự khác biệt sâu sắc trong cách tiếp cận của Ấn Độ và Pakistan đối với vấn đề Kashmir và vai trò của cộng đồng quốc tế. Trong khi Ấn Độ kiên quyết theo đuổi các cuộc đàm phán song phương và yêu cầu Pakistan chấm dứt "hỗ trợ khủng bố", Pakistan lại kêu gọi sự can thiệp của bên thứ ba để tìm kiếm một giải pháp hòa bình và toàn diện hơn.

Vai trò của EU trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này vẫn còn là một dấu hỏi. Khối này có ảnh hưởng kinh tế đáng kể đối với cả Ấn Độ và Pakistan, nhưng sự khác biệt trong lập trường của hai nước có thể gây khó khăn cho bất kỳ nỗ lực hòa giải nào. 

Theo Báo Tin Tức và Dân Tộc