Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
An Giang với bề dày lịch sử và văn hóa, sở hữu một hệ thống di sản vô cùng phong phú và đa dạng. Về di tích lịch sử, trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích lịch sử có giá trị, như: Khu Di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, các đình, chùa, miếu cổ... Bên cạnh đó, có nhiều Di sản văn hóa phi vật thể, như: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, hội đua bò Bảy Núi, kỹ thuật khắc chữ trên lá buông... là những Di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của tỉnh. Những năm qua, tỉnh quan tâm, thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa - lịch sử.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp, thực hiện quy định của Luật Di sản văn hóa, thời gian qua, công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tại An Giang được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 90 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 60 di tích cấp tỉnh. Giai đoạn 2013 - 2023, toàn tỉnh thực hiện trùng tu, tôn tạo và chống xuống cấp 209 lượt di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng; đầu tư trùng tu 69 đình làng chưa xếp hạng trên địa bàn.
Không chỉ tập trung vào các di tích đã được xếp hạng, An Giang còn quan tâm đến việc bảo tồn các đình làng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của các cộng đồng. Bên cạnh các di tích vật thể, An Giang còn đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Hiện nay, tỉnh có 8 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cấp quốc gia. “Những nỗ lực bảo tồn di sản của An Giang đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Các di tích được bảo tồn tốt hơn, góp phần thu hút du khách và thúc đẩy phát triển du lịch. Các giá trị văn hóa phi vật thể được gìn giữ, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng” - ông Nguyễn Khánh Hiệp chia sẻ.
Đặc biệt, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhờ tính gắn kết cộng đồng và thúc đẩy bình đẳng giới. Theo Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam của Việt Nam đáp ứng ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể với 5 tiêu chí, gồm: Lễ hội được cộng đồng người Kinh, Khmer, Chăm và Hoa tại TP. Châu Đốc tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bình đẳng giới, phát triển kinh tế toàn diện, thúc đẩy hành động bảo vệ bền vững môi trường và khí hậu, bảo vệ hòa bình và gắn kết xã hội; Nhà nước đã đề xuất sản xuất các biện pháp bảo vệ; hồ sơ bầu cử đã xác định vai trò của các cơ sở, nhân vật đại diện cộng đồng; di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của An Giang.
Theo Bí thư Thành ủy Châu Đốc Lâm Quang Thi, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là một trong những lễ hội lớn nhất và độc đáo nhất của vùng ĐBSCL, không chỉ là một sự kiện văn hóa tâm linh, mà còn là một Di sản văn hóa phi vật thể quý báu của nhân loại. Với lịch sử lâu đời và ý nghĩa sâu sắc, lễ hội trở thành một biểu tượng văn hóa đặc trưng của vùng đất An Giang. “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam không chỉ là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính đối với Bà Chúa Xứ mà còn là dịp để cộng đồng các dân tộc Kinh, Chăm, Khmer và Hoa cùng nhau sum họp, giao lưu và chia sẻ những giá trị văn hóa truyền thống. Lễ hội mang ý nghĩa sâu sắc về tín ngưỡng, đạo đức và tình người, góp phần gắn kết cộng đồng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” - đồng chí Lâm Quang Thi thông tin.
“Việc Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được UNESCO công nhận là cột mốc quan trọng, khẳng định giá trị tinh thần sâu sắc của lễ hội đối với cộng đồng. Lễ hội để chúng ta thể hiện lòng thành kính với Bà Chúa Xứ và là dịp để các dân tộc cùng chung sống trên mảnh đất An Giang gắn kết, chia sẻ và trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống. Là người con quê hương Châu Đốc, tôi sẽ tích cực cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, bà con chung tay gìn giữ những nghi lễ truyền thống, đặc sắc của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam gắn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững, để lễ hội luôn giữ được nét đẹp vốn có và ngày càng phát triển”.
Thời gian tới, An Giang tiếp tục vun đắp và gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của mình. Tỉnh tăng cường đầu tư cho công tác bảo tồn, như: Đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo và bảo vệ các di tích. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản. Tăng cường hợp tác các tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Kết hợp bảo tồn di sản với phát triển du lịch để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến với An Giang.
Với những nỗ lực không ngừng, An Giang đang từng bước xây dựng một hình ảnh mới, một vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân.
Ngày 4/12/2024, tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại Cộng hòa Paraguay, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một trong 66 đề xuất được xem xét trong kỳ họp này và là Di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Tại vùng đất Nam Bộ, ngoài Đờn ca tài tử thì Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi là di sản thứ hai và là lễ hội truyền thống đầu tiên của vùng đất phương Nam được đón nhận vinh dự này. |
THU THẢO