Sạt lở vẫn diễn biến phức tạp
Sạt lở liên tiếp
Từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ răn nứt, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang Lương Huy Khanh cho biết, ngày 4/7/2022, xảy ra sạt lở tuyến Bắc Kênh 10 Châu Phú (thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú) dài 30m, dạng hàm ếch ăn sâu vào 1/3 mặt đường đất hiện hữu.
Sau đó 1 ngày (5/7), xảy ra sạt lở tuyến Nam Cây Dương (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) dài 15m, dạng hàm ếch ăn sát vào mặt đường nhựa hiện hữu (vùng sản xuất 3 vụ/năm). Nguyên nhân ban đầu của 2 vụ sạt lở trên địa bàn huyện Châu Phú được xác định do bờ kênh thẳng đứng, tác động lâu năm của dòng chảy kết hợp với mặt nước kênh hạ xuống thấp (do hạn), cộng với mưa dầm làm cho bờ đất mềm gây sạt lở.
Trước đó, ngày 2/7, tại khu vực tổ 19 (ấp Long Hiệp, xã Long An, TX. Tân Châu) xảy ra vụ rạn nứt đất với diện tích 240m2 (dài 40m, ăn vô đất liền 6m). Nguyên nhân ban đầu được xác định do bờ kênh thẳng đứng và ảnh hưởng của dòng chảy phá hoại kết cấu đất bờ, gây ra hiện tượng sạt lở tạo hàm ếch.
Ngày 10/6, tuyến đê bờ Tây kênh Rạch Giá - Long Xuyên (đê bao kết hợp lộ nhựa giao thông nông thôn, đoạn thuộc xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn) có hiện tượng răn nứt cơ đê, sau đó xảy ra sụp lún tại vị trí thuộc số nhà 133, tổ 8 (ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ), cách cầu Thoại Hà 4 hướng về phía thượng lưu 700m. Đoạn đê sụp, lún dài khoảng 70m, rộng 2,5m, sâu 1,5m, ảnh hưởng tuyến lộ nhựa giao thông nông thôn liên xã. Nguyên nhân xác định ban đầu do ảnh hưởng dòng chảy của đoạn kênh cong, ghe tàu qua lại đông đúc, nước xoáy gây sạt lở.
Đầu tháng 6/2022, ngành chức năng đã phát hiện tình trạng răn nứt bờ Nam sông Hậu, đoạn thuộc tổ 1, ấp Tân Bình (thị trấn Long Bình, huyện An Phú, cách Chi cục Hải quan Cửa khẩu Long Bình về phía Đông khoảng 30m). Đoạn răn nứt dài khoảng 22m, ngang khoảng 2m, chiều rộng vết nứt khoảng 10-20cm. Theo nhận định ban đầu, do đất cặp bờ sông hàng năm chịu ảnh hưởng mưa, lũ làm bào mòn, ảnh hưởng dòng chảy, ghe tàu đi lại nhiều, mực nước chênh lệch rất lớn nên gây răn nứt…
Chủ động ứng phó
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang Nguyễn Việt Trí cho biết, theo kết quả đo đạc 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 56 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm, với tổng chiều dài hơn 180km. Trong đó, cảnh báo mức độ đặc biệt nguy hiểm đối với 6 đoạn có nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại lớn, cần có giải pháp phòng tránh và hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra (còn lại 36 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 14 đoạn ở mức độ bình thường).
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch, dài 808m (huyện An Phú 197m, Tri Tôn 41m, Châu Phú 390m, Chợ Mới 70m, Phú Tân 40m, Thoại Sơn 70m), ảnh hưởng đến 27 căn nhà; ước thiệt hại do sạt lở khoảng 954 triệu đồng. Riêng trên địa bàn huyện Châu Phú xảy ra nhiều đoạn sạt lở nhất (6 đoạn), ảnh hưởng đường nông thôn, nguy cơ ảnh hưởng đến Quốc lộ 91. Số vụ sạt lở và số căn nhà bị ảnh hưởng, mức độ thiệt hại giảm so cùng kỳ năm 2021.
Theo cơ quan chuyên môn, tình hình khô hạn trên địa bàn An Giang đến sớm và kéo dài, mưa lớn tập trung vào giai đoạn cuối năm, mực nước trên sông hạ thấp, nước trong đất bị mất cân bằng, nên vào đầu mùa mưa, nếu có mưa lớn cục bộ sẽ làm mặt đất thấm nước nhanh, gây kết cấu đất mềm, yếu, trong khi mực nước sông còn thấp, dẫn đến sạt lở ở những nơi mái bờ dốc thẳng đứng.
Ngoài ra, dòng chảy bắt đầu mạnh khi nước lũ từ thượng nguồn Mekong đổ về sẽ gia tăng áp lực bào mòn nhanh vào chân bờ sông, tạo thành hàm ếch rỗng chân ăn sâu vào bờ phía bên dưới, khi đó khối đất sẽ mất mái ta-luy và khả năng xảy sạt lở, đổ ụp xuống sông là rất cao, diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp.
Theo ông Nguyễn Việt Trí, diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp, đặc biệt sạt lở ảnh hưởng đến các công trình quốc lộ, đê cấp III, khu vực dân cư, công trình hạ tầng quan trọng khác và các sông, kênh, rạch nội đồng. Hiện nay, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác dự báo, cảnh báo còn yếu và thiếu, chưa được trang bị công trình phòng, chống, cảnh báo sớm sạt lở.
Tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, giải pháp khắc phục sau khi sạt lở như xây dựng các kè chống sạt lở rất tốn kém. Do đó, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Trung ương có chính sách đặc thù cho ĐBSCL, cho tỉnh để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư các cụm, tuyến dân cư phòng tránh sạt lở lâu dài, ưu đãi các khoản thuế, tiền sử dụng đất, cho hưởng địa tô từ các công trình đầu tư công để sớm di dời dân cư vào vùng an toàn, tránh sạt lở trong điều kiện khó khăn về ngân sách. Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh cho phép đơn vị xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về sạt lở, góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản cho người dân.
NGÔ CHUẨN