Là tỉnh đứng thứ 2 tại vùng ĐBSCL về sản lượng lúa gạo, với khoảng 4 triệu tấn/năm, An Giang đã khẳng định được vai trò trong mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời, tỉnh cũng xuất khẩu 500.000 - 550.000 tấn gạo mỗi năm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, việc đồng bộ về tiêu chuẩn chất lượng còn hạn chế, lượng gạo tiêu thụ trong nước và xuất khẩu được đóng túi có thương hiệu còn ít. Do đó, cần có một chương trình canh tác hợp lý, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật xuất khẩu để phục vụ Đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án).
Chương trình canh tác lúa gạo sẽ được áp dụng cho các vùng nguyên liệu tham gia Đề án, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường trong nước và xuất khẩu. Từ đó, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm gạo trên thị trường, nâng cao giá trị hạt gạo An Giang, góp phần tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân và doanh nghiệp (DN), cũng như phát triển KTXH địa phương. Cụ thể, chương trình canh tác phục vụ Đề án sẽ ứng dụng quy trình kỹ thuật - tiêu chuẩn SRP 90 điểm làm điểm sàn, tham chiếu Nghị định 103/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu và quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL. Đồng thời, duy trì, phát triển mạng lưới sản xuất giống từ nguyên chủng đến giống xác nhận gắn với DN sản xuất, ưu tiên các mô hình liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ.
.jpg)
Cần chuẩn hóa quy trình canh tác lúa gạo tại An Giang
Sau khi xây dựng quy trình, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp địa phương xác định giống lúa được chọn canh tác, tiến hành gieo sạ và hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) tham gia Đề án. Trong quá trình sản xuất, tùy điều kiện thực tế sẽ phối hợp DN mời cơ quan chuyên môn đến vùng nguyên liệu đánh giá mức độ đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó, triển khai các chính sách hỗ trợ cho DN, HTX, THT, nông dân tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ theo các tiêu chuẩn của thị trường. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nông dân tham gia đầu tư, góp vốn vào HTX để cùng sản xuất - kinh doanh lúa gạo, nâng cao hiệu quả Đề án. Tạo điều kiện để DN sản xuất - kinh doanh lúa gạo đến đầu tư, liên kết sản xuất - tiêu thụ tại An Giang được hưởng chính sách khuyến khích DN đầu tư nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện sản xuất theo quy trình canh tác tại các vùng nguyên liệu tham gia Đề án. Sau khi có kết quả của cơ quan chuyên môn đánh giá sản phẩm lúa gạo đạt tiêu chuẩn, nhãn hiệu chứng nhận gạo An Giang, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) sẽ phối hợp với sở, ngành liên quan xem xét, tham mưu UBND tỉnh công bố chất lượng gạo để làm cơ sở cho các tổ chức, DN tham gia Đề án phát triển sản phẩm.
Để Chương trình canh tác phục vụ Đề án triển khai nhanh chóng và hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&MT xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung liên quan. Trong đó, quan tâm hỗ trợ đầu tư, tập huấn quy trình canh tác cho nông dân, HTX, THT và DN tham gia phát triển thương hiệu gạo An Giang. Tổ chức đoàn công tác để kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy trình canh tác đã triển khai tại các vùng nguyên liệu tham gia Đề án. Thường xuyên rà soát, cập nhật những tiến bộ kỹ thuật, quy định về tiêu chuẩn để bổ sung, triển khai đến nông dân tham gia Đề án, đảm bảo chất lượng lúa gạo đạt theo yêu cầu DN…
Với Sở Công Thương, sẽ phối hợp tham gia đoàn công tác để kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy trình canh tác đã triển khai tại các vùng nguyên liệu tham gia Đề án. Phối hợp Sở NN&MT mời gọi DN tham gia xây dựng và phát triển thương hiệu gạo An Giang; hỗ trợ áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo và hoạt động công bố chất lượng lúa gạo mang thương hiệu An Giang…
Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh… cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tùy theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tham gia tích cực vào việc triển khai chương trình canh tác phục vụ Đề án đến HTX, THT, nông dân, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang, hướng đến mục tiêu chinh phục các thị trường trong, ngoài nước.
THANH TIẾN