An Giang đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp

15/12/2020 - 05:21

 - Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản được các cấp, ngành, địa phương cũng như cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) thực phẩm và người tiêu dùng quan tâm thực hiện. Nhờ vậy, đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong trong nhận thức và hành vi đối với hoạt động này.

Vấn đề an toàn thực phẩm luôn là chủ đề nóng, mối quan tâm lớn của toàn xã hội. Rất khó để đánh giá được các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm dù là ở đâu. Khi sử dụng thực phẩm không an toàn, việc ảnh hưởng đến sức khỏe không có biểu hiện ngay mà tích tụ từ từ, khó phát hiện và dẫn đến các bệnh về đường ruột, ngộ độc, thậm chí dẫn đến ung thư… rất nguy hiểm đến tính mạng hoặc phải chi trả chi phí y tế rất tốn kém…

Trước thực trạng trên, thời gian qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, tập trung kiểm tra đối với các nhóm sản phẩm thiết yếu và các khâu sản xuất, chế biến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Tính đến tháng 11-2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản An Giang đã thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 469 cơ sở SXKD thực phẩm. Trong đó có 110 cơ sở đạt loạt A, 359 cơ sở đạt loại B. Các ngành nghề được cấp giấy chứng nhận, gồm: sản xuất trà, cà phê, Pa-tê, chả lụa, chả cá viên, đường phèn, đường thốt nốt, lạp xưởng bò, khô mắm cá các loại, nước mắm, nước tương, tương hột…

Đơn vị còn tiến hành thanh, kiểm tra 55 cơ sở, doanh nghiệp và lấy 23 mẫu sản phẩm để kiểm tra chất lượng. Qua kiểm tra có 1 mẫu không đạt chất lượng; ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 105 triệu đồng.

Vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp được các cơ sở sản xuất - kinh doanh ưu tiên hàng đầu

Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản An Giang còn phối hợp Sở Công thương rà soát các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có nhu cầu hợp tác với Sài Gòn-Co.op và Satra thực hiện mô hình liên kết, tiêu thụ nông sản cho 25 cơ sở sản xuất và sơ chế rau, củ, quả ở 11 huyện, thị xã, thành phố. Giới thiệu 27 sản phẩm đặc thù của 15 cơ sở SXKD, doanh nghiệp có đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đăng ký với Trung tâm Tư vấn, giới thiệu và bán nông sản, thực phẩm an toàn Hà Nội.

Ngoài ra, đơn vị còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, hỗ trợ doanh nghiệp, tiểu thương tham gia chuỗi cửa hàng nông sản an toàn; giới thiệu sản phẩm từ vùng nuôi trồng nông sản đạt chất lượng, sản phẩm nông nghiệp đã được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tham gia các kỳ hội chợ…

Ngoài ra, đơn vị còn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đến cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách công tác quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn…

Tuy nhiên, có một thực tế là công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều khó khăn, hạn chế. Quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản An Giang Phạm Thành Quang cho biết, do quy mô sản xuất sản phẩm địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún nên sản phẩm, phẩm cấp, chủng loại sản phẩm chưa cao; việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật của các cơ sở còn hạn chế.

Ngoài ra, các sản phẩm, thực phẩm được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và dán tem truy xuất nguồn gốc trên địa bàn còn khiêm tốn; tình trạng sản xuất “cung vượt cầu” còn xảy ra, gây khó khăn trong khâu tiêu thụ. Công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, bất cập về con người lẫn phương tiện, nhân lực.

Thời gian tới, ngành chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng và từng loại hình SXKD. Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản trong tất cả các công đoạn từ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản đến kinh doanh. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm.

ĐÌNH ĐỨC

 

Liên kết hữu ích