5 năm qua (2016-2020), toàn tỉnh có 1.886 người xuất khẩu lao động tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Qua khảo sát, lao động An Giang đi làm việc tại các thị trường này hầu hết đều có điều kiện làm việc tốt và thu nhập ổn định. Tỉnh An Giang đã thực hiện giải ngân vốn vay tín chấp cho 415 lao động, với số tiền hơn 19 tỷ đồng (trong đó chủ yếu là thị trường Nhật Bản với 349 lao động, chiếm 84% tổng số lao động nước ngoài của tỉnh An Giang). Đồng thời, hỗ trợ chi phí ban đầu, như: khám sức khỏe, học ngoại ngữ, học giáo dục định hướng cho 228 lao động, với số tiền hơn 555 triệu đồng.
Sau thời gian làm việc, mỗi lao động trở về nước có thể tích lũy từ 500 triệu đồng trở lên. Nhiều gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn trong tỉnh sau khi cho con em đi xuất khẩu lao động, hiện nay không chỉ thoát nghèo, mà còn xây dựng nhà cửa khang trang, có nguồn vốn để đầu tư vào nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh, kinh tế từng bước vươn lên, cuộc sống gia đình ổn định. Bản thân người lao động còn học được những giá trị tích cực trong việc làm, kinh nghiệm, định hướng phát triển trong tương lai… Đó là những ưu điểm được chính người trong cuộc chỉ ra để tỉnh khuyến khích lao động quan tâm đến cơ hội đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài.
Bên cạnh kết quả đạt được, nhìn nhận chung, số lượng xuất khẩu lao động còn thấp so với tiềm năng lao động của tỉnh An Giang. Do đó, phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đưa ít nhất 1.500 lao động tham gia xuất khẩu lao động, bình quân mỗi năm đưa ít nhất 300 lao động đi xuất khẩu lao động. Căn cứ vào lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu cho 11 huyện, thị xã, thành phố, chỉ tiêu cao nhất là huyện Chợ Mới với 240 lao động, kế đến là TP. Long Xuyên và các huyện: Châu Phú, Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Thành và TX. Tân Châu…
Tư vấn về xuất khẩu lao động tại phiên giao dịch việc làm
UBND tỉnh yêu cầu khi lựa chọn doanh nghiệp (DN) có chức năng xuất khẩu lao động phải được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thẩm định và cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Tỉnh An Giang khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN lớn, được cấp phép và có uy tín trong lĩnh vực xuất khẩu lao động tăng cường các hoạt động tuyển dụng và mở văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, huyện trong công tác xuất khẩu lao động.
Để thực hiện mục tiêu này, các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước về công tác xuất khẩu lao động, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, lao động ở các vùng nông thôn, bộ đội xuất ngũ, sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh. Trong đó, vai trò chính là Báo An Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang, các hội, đoàn thể, thông qua các phiên giao dịch việc làm và tuyên truyền thông qua mạng lưới thông tin tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Đối với người đăng ký đi xuất khẩu lao động, tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ cho NLĐ có hộ khẩu thường trú hoặc mã số định danh trên địa bàn tỉnh thuộc diện khó khăn về kinh tế; bộ đội xuất ngũ, công an phục viên với mức khoán 5.000.000 đồng/lao động từ nguồn ngân sách tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ NLĐ được quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.
Về hỗ trợ tín dụng, NLĐ được vay tối đa 100% chi phí theo hợp đồng ký kết giữa NLĐ với DN dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tối đa là 100 triệu đồng/lao động. Lãi suất vay vốn ưu đãi đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định.
UBND tỉnh dành kinh phí hơn 164 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch xuất khẩu lao động giai đoạn 2021-2025, trong đó ngân sách từ Trung ương là 58 tỷ đồng, phần còn lại thuộc ngân sách tỉnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp các sở, ngành, đoàn thể có liên quan cùng tham gia thực hiện. Đối với lao động thuộc đối tượng thụ hưởng có khả năng đi xuất khẩu lao động sẽ được tư vấn, vận động để nắm rõ các nội dung, lựa chọn thị trường tham gia lao động phù hợp.
Bên cạnh đó sẽ đẩy mạnh hướng nghiệp, tư vấn xuất khẩu lao động cho học sinh, sinh viên, bộ đội xuất ngũ; đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho NLĐ đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước. Đặc biệt chú trọng đào tạo nghề cho NLĐ sát với thực tế công việc theo yêu cầu của DN nước ngoài trước khi NLĐ đến làm việc.
MỸ HẠNH