An Giang đóng góp 2 dự thảo luật

13/09/2024 - 19:46

 - Ngày 13/9, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh chủ trì Hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Phòng không nhân dân và dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), báo cáo Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự án luật, làm cơ sở đệ trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Lữ đoàn Pháo binh 6, doanh nghiệp, một số sở, ban ngành tham dự.

Quang cảnh hội thảo

 Các đại biểu đóng góp ý kiến

Dự thảo Luật Phòng không nhân dân có 8 chương, 54 điều, quy định lực lượng phòng không nhân dân; hoạt động phòng không nhân dân; nguồn lực, chế độ, chính sách cho phòng không nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng không nhân dân và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay...  

Các đại biểu thống nhất cao việc ban hành dự thảo luật, là vấn đề quan trọng, cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo luật còn một số điểm chưa hợp lý, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp; việc đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay...

 Điều 27 và Điều 29 dự thảo luật hiện đang liệt kê, nhưng chưa đầy đủ. Thống nhất bổ sung nội dung “phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vả của Nhân dân”, tại Khoản 5, Điều 3 của luật. Đề nghị rà soát, điều chỉnh nội dung “huy động nguồn lực của tổ chức, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân”, theo hướng gắn liền quyền lợi và nghĩa vụ. “Cá nhân” bao gồm: Công dân Việt Nam, người nước ngoài và người gốc Việt Nam hoặc người nước ngoài không có quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Luật không nên quy định độ tuổi tham gia, căn cứ vào khả năng, tính chất nhiệm vụ để phù hợp với truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc...  Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị xem lại việc sử dụng từ ngữ, cụm từ, các quy định còn chồng chéo, lặp lại, thiếu tính đồng bộ.

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), gồm: 6 chương, 37 điều. Các đại biểu đề nghị cần bố trí số lượng cán bộ công đoàn theo số lượng lao động tại địa phương, đơn vị. Quy định cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc/tháng đối với chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc/tháng đối với ủy viên ban chấp hành công đoàn, tổ trưởng, tổ phó để làm công tác công đoàn và được người sử dụng lao động trả lương là khó khả thi. Tiếp tục duy trì 2% kinh phí công đoàn để chăm lo cho người lao động, bảo đảm bộ máy hoạt động là cần thiết, cũng thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết 02-NQ/TW. Đề nghị bổ sung quy định xử lý hành vi trốn đóng kinh phí công đoàn, chế tài xử lý vi phạm Luật Công đoàn.

Về phản biện xã hội, đại biểu đề nghị “Công đoàn Việt Nam tham gia phản biện xã hội với vai trò là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Đối với tài sản công đoàn quy định tại Điều 32, cần làm rõ hình thành trong công đoàn hay trong doanh nghiệp, nhất là những đơn vị sự nghiệp do công đoàn quản lý.

Kết luận buổi hội thảo, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh xác định ý kiến đóng góp của các đại biểu góp phần quan trọng, thiết thực. Đơn vị ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp và hoàn thiện trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. 

N.R