An Giang đưa công nghệ số vào các ngành kinh tế mũi nhọn

18/08/2023 - 06:32

 - Trong xu hướng số hóa toàn cầu, những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của An Giang càng có cơ hội phát huy thế mạnh. Nếu những lần đột phá nông nghiệp trước đây mang tính chất thủ công, dựa vào chủ trương, quyết tâm và sức lao động là chính thì trong thời đại mới, đột phá nông nghiệp, du lịch phải dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), khoa học và công nghệ (KH&CN)…

Thống nhất hành động

Chuyển đổi số là câu chuyện thời sự trên toàn quốc, trong đó lợi thế nông nghiệp của An Giang đang đứng trước cơ hội lớn. Ngày 9/9/2021, UBND tỉnh ban hành Chương trình 553/CTr-UBND về chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; sau đó là các quyết định và kế hoạch triển khai cho từng năm. Ở góc độ Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng ban hành Quyết định 2151/QĐ-BNNPTNT-VP về kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trương Kiến Thọ cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh, sở đã xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp An Giang. Định hướng xuyên suốt của ngành là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp (DN) lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số, giúp người dân, DN thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.

“Mục đích chuyển đổi số trong nông nghiêp nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế” - ông Thọ nhấn mạnh.

Quan điểm của tỉnh là lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số; chính sách, công nghệ là động lực phát triển nền tảng số, là giải pháp đột phá; bảo đảm an toàn an ninh mạng là yếu tố then chốt; hợp tác cùng phát triển là giải pháp quan trọng. Chính sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của DN và người dân là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số trong nông nghiệp. 

Ông Trương Kiến Thọ cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, nông dân, DN phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả. Thông qua việc sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền nảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất... các HTX sản xuất nông nghiệp, nông dân và DN sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm và “rộng cửa” để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình.

Nhiều mô hình hiệu quả

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, giai đoạn 2017 - 2022, đã có 714 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông thôn mới đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, gồm 218 mô hình cấp tỉnh và 496 mô hình cấp huyện. Nông dân, HTX, các DN nông nghiệp... khi tham gia mô hình ứng dụng công nghệ cao, thực hiện đối ứng từ 50% tổng kinh phí, còn lại được hỗ trợ.

Trong lĩnh vực trồng trọt, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng không dấu chân (sử dụng máy bay không người lái sạ lúa và phun thuốc bảo vệ thực vật), giúp giảm chi phí sản xuất, giảm nhân công lao động. Đồng thời, triển khai phần mềm “Bác sĩ cây trồng” do công ty phát triển.

Phần mềm cài trên thiết bị di động, hỗ trợ hình ảnh triệu chứng dịch hại, giúp nông dân xác định đúng dịch hại và đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp với từng trường hợp khác nhau. Ứng dụng còn có phần hỏi đáp trực tiếp với các chuyên gia của Tập đoàn Lộc Trời, giúp nông dân quản lý dịch hại thường gặp trong sản xuất một cách hiệu quả.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các trang trại lớn trên địa bàn An Giang đang ứng dụng hệ thống chuồng kín có hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống tự động, hệ thống cào và thu gom phân gia súc, gia cầm tự động. Tất cả hệ thống chuồng nuôi có thể tích hợp vào điện thoại thông minh hoặc máy vi tính để điều khiển từ xa.

Qua đó, giúp gia súc, gia cầm phát triển nhanh, ít bệnh, rút ngắn thời gian nuôi, tăng hiệu quả. Đối với nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, chủ đầu tư thực hiện quản lý, theo dõi, giám sát bằng hệ thống camera, sử dụng hệ thống phun sương làm mát điều khiển từ xa, giám sát được số lượng chim yến, động vật gây hại mà không cần trực tiếp vào nhà nuôi gây ảnh hưởng, xáo trộn đàn chim yến.

Trong lĩnh vực thủy sản, Công ty Cổ phần Cá tra Việc Úc (ấp Vĩnh Bường, xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) hiện đang đáp ứng đủ điều kiện hạ tầng kỹ thuật chuyển đổi số trong sản xuất - kinh doanh (SXKD), như: Đo lường tự động, hệ thống các thiết bị thu mẫu tự động hoàn toàn; hệ thống quan trắc môi trường ao nuôi tự động; xử lý nước đầu vào tự động; chíp điện tử định danh cá. Kết quả bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế; hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí, tăng năng suất; thực hiện tốt dữ liệu truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Trong lĩnh vực phát triển nông thôn, tỉnh đã hỗ trợ 5 HTX nông nghiệp là: An Bình (huyện Thoại Sơn), Lộc Phát 1 (huyện Tri Tôn), Vĩnh Bình (huyện Châu Thành), Phú Thạnh (huyện Phú Tân) và Vĩnh Thạnh (huyện Châu Phú) xây dựng 5 mô hình tổ chức SXKD nông nghiệp; hỗ trợ thành viên học tập trực tuyến, tiếp cận thông tin thị trường, giá cả nông sản và vật tư nông nghiệp, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng 4 mô hình ứng dụng ghi chép nhật ký sản xuất điện tử và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tại các HTX nông nghiệp Lộc Phát 1, Vĩnh Bình, Phú Thạnh và Vĩnh Thạnh.

Tỉnh còn hỗ trợ một số HTX nông nghiệp, chủ thể OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) mạnh dạn áp dụng thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP và ứng dụng trực tuyến hỗ trợ việc quản lý, quảng bá, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nền nông nghiệp thông minh. Đồng thời, đang triển khai khai mô hình “HTX nông nghiệp thông minh” tại xã An Bình (huyện Thoại Sơn), mô hình “Xã nông thôn mới thông minh toàn diện” tại xã Long Điền A (huyện Chợ Mới) và xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên); ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào xây dựng nông thôn mới.

Hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ

Giai đoạn 2013 - 2023, ngành KH&CN tổ chức thực hiện 441 đề tài, dự án. Trong đó có nhiều công trình nghiên cứu tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, như: Phục tráng giống lúa Jasmine 85 Châu Phú; chọn tạo giống lúa nếp ngắn ngày chất lượng tốt cho huyện Phú Tân; phục tráng và xây dựng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ giống lúa đặc sản Nàng Nhen thơm vùng Bảy Núi; sưu tập, bảo tồn và phát triển đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ giống lúa mùa địa phương (lúa mùa nổi, lúa mùa ruộng trên); nâng cao tỷ lệ đậu trái, hạn chế tỷ lệ trái xoài cóc trên xoài 3 màu; xây dựng quy trình ương giống và nuôi thương phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn nội địa và xuất khẩu cho cá lóc, các rô phi, chạch lấu...

Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng hỗ trợ ứng dụng công nghiệp cao, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả vào cộng đồng, như: Ứng dụng nhà sấy năng lượng mặt trời sấy nông sản, dược liệu; trồng chuối già Philippines nuôi cấy mô, nuôi tôm càng xanh toàn đực... giúp tăng hiệu quả kinh tế gấp 1,3 lần so sản xuất thông thường. Đối với du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cũng được ứng dụng xây dựng các mô hình tour, tuyến du lịch, xây dựng bản đồ GIS giới thiệu các địa điểm và thông tin du lịch.

Việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN góp phần tăng năng suất, tạo ra sản phẩm chất lượng, hàm lượng công nghệ cao và tăng tính cạnh tranh trong quá trình hội nhập ở các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; các dịch vụ, sản phẩm du lịch.

Điển hình như việc ứng dụng có hiệu quả các đề tài khoa học xây dựng thủy lợi, vẽ thiết kế kênh mương tưới tiêu nội đồng, đê bao chống lũ kết hợp giao thông nông thôn, khai thác hiệu quả tài nguyên đất. Qua đề tài KH&CN, giúp chọn tạo được các bộ giống có tính thích nghi tốt, góp phần đa dạng bộ giống lúa có năng suất, chất lượng, giải quyết được vấn đề thoái hóa giống và phục vụ phát triển SXKD lúa giống của tỉnh. 

Ứng dụng kết quả các nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống thủy sản là một trong những thành tựu quan trọng, đặc biệt là nghiên cứu thành công và chuyển giao các quy trình sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá lăng, cá linh ống, cá leo, cá heo, chạch lấu, trèn bầu, cá rô biển... góp phần đa dạng hóa nguồn lợi thủy sản địa phương, phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Phát huy thế mạnh

Giám đốc Sở KH&CN Tầng Phú An cho biết, giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh thực hiện 207 đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp cơ sở. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã đóng góp tích cực tăng hàm lượng KH&CN các sản phẩm chủ lực của tỉnh, nâng cao giá trị hàng hóa, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương.

Qua thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, tỉnh đã nghiên cứu, chọn lọc được 3 giống lúa mùa ruộng trên (Móng Chim, AS-R05 và AS-R06) có chất lượng tốt, năng suất từ 3,5 tấn/ha trở lên; chống chịu rầy nâu, đạo ôn và cháy bìa lá cấp 3-4... Riêng giống Móng Chim có thể đáp ứng thị trường tiêu thụ tại Nhật Bản. Đồng thời, xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi cá rô phi, điêu hồng ứng dụng công nghệ biofloc, giảm thời gian nuôi, tăng năng suất trên 20 tấn/ha.

Ngoài ra, còn nghiên cứu cải tiến kỹ thuật và phương pháp bảo quản trái xoài 3 màu tươi lên đến 36 ngày, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; xây dựng vùng sản xuất giống cá lóc đạt chứng nhận GlobalGAP và nuôi thương phẩm đạt chứng nhận VietGAP; hình thành HTX trái cây GAP Chợ Mới đạt chứng nhận VietGAP diện tích 57,3ha; ứng dụng thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất lúa...

Thời gian qua, An Giang có nhiều DN SXKD có hoạt động đổi mới công nghệ, một số dự án khởi nghiệp, một số vườn ươm đã hình thành, hoạt động. Các tổ chức hoạt động KH&CN, DN ngày càng chú trọng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động nên số lượng các công trình được công bố quốc tế và số lượng các sáng chế được bảo hộ trong, ngoài nước ngày càng tăng. 

Để tăng hiệu quả KH&CN, An Giang đẩy mạnh thực hiện nhiều chương trình hợp tác quốc tế. UBND tỉnh ký kết hợp tác với các địa phương, cơ quan của Thụy Điển triển khai một số dự án, như: Kế hoạch hành động để sử dụng chất thải từ cây lúa, hợp tác với Piteå; Dự án nâng cao năng lực thực hành quản lý chất thải rắn ở TP. Long Xuyên, hợp tác với Växjö; Dự án nâng cao năng lực và xây dựng đề án định hướng phát triển mô hình nhà máy đồng phát điện - nhiệt từ trấu ở quy mô kết hợp nhà máy xay xát lúa tỉnh An Giang, hợp tác với cơ quan năng lượng Thụy Điển...

NGÔ CHUẨN - HẠNH CHÂU