An Giang hiện đại hóa thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp

03/10/2022 - 06:58

 - Thời gian qua, An Giang đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN), đạt nhiều kết quả quan trọng.

Từ năm 2012, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Chỉ thị 10/2012/CT-UBND về tăng cường các biện pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh An Giang năm 2012 và những năm tiếp theo. Đến năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 27-CT/TU về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đến năm 2020.

Trong 2 nhiệm kỳ (2015-2020 và 2020-2025), Đảng bộ tỉnh luôn xác định nhiệm vụ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ DN để thu hút nguồn đầu tư của xã hội là một trong những khâu đột phá. Tỉnh thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh cải cách TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC và những thủ tục không cần thiết; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN. Đồng thời, đổi mới công tác quản lý, điều hành; lấy người dân và DN là trung tâm phục vụ; tổ chức định kỳ đối thoại và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và sự năng động, sáng tạo của địa phương, môi trường kinh doanh của An Giang từng bước cải thiện. Giai đoạn 2015-2020, có 371 dự án đăng ký đầu tư mới với tổng vốn trên 82.000 tỷ đồng (tăng 159 dự án và 54.000 tỷ đồng so giai đoạn 2010-2015).

Riêng năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, tình hình thu hút đầu tư gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, một số chỉ số quan trọng của tỉnh An Giang đã tăng điểm rõ rệt và tăng hạng cao so các tỉnh, thành phố, như: Chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2015 hạng 49, năm 2021 hạng 32 cả nước; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 hạng 39, năm 2021 tăng lên hạng 17.

Chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng được nâng cao tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

UBND tỉnh đã ban hành Chương trình trọng điểm về chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 theo chủ trương của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Ngân sách tỉnh sẽ đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình này. Ngoài ra, tiếp tục huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, vốn đầu tư theo hình thức PPP của DN.

Tuy nhiên, do ngân sách địa phương rất khó khăn và hàng năm còn nhận trợ cấp Trung ương 56%, nên An Giang đề nghị Chương trình chuyển đổi số quốc gia cần bố trí nguồn vốn Trung ương, giúp các địa phương còn khó khăn ngân sách như An Giang đầu tư các cơ sở hạ tầng cơ bản, trang thiết bị máy móc... trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số.

Hiện nay, các bộ, ngành đang triển khai Đề án số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong quá trình kê khai thông tin khi làm hồ sơ, thủ tục; giảm hồ sơ, giấy tờ khi làm thủ tục những lần tiếp theo. Tuy nhiên, đề án đang xây dựng nhưng chưa có sự đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương (dữ liệu của các bộ, ngành tự xây dựng, dữ liệu của tỉnh tự xây dựng), việc kết nối liên thông để chia sẻ dữ liệu sẽ gặp khó khăn.

Để tạo thuận lợi cho người dân và DN khi làm TTHC, đặc biệt khi triển khai giải quyết thủ tục phi địa giới hành chính trên phạm vi toàn quốc, An Giang đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng bộ dữ liệu dùng chung của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, giúp giảm thời gian xử lý và giải quyết TTHC cho người dân, DN.

Theo UBND tỉnh, thời gian qua, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh mang lại hiệu quả cao trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; chất lượng phục vụ được nâng cao, chuyên nghiệp và hiệu quả; giảm phiền hà, chi phí, thời gian cho người dân và DN khi giải quyết TTHC.

Vì vậy, An Giang kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh áp dụng mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công ở cấp huyện; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể về đơn vị hành chính đặc thù đối với mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công. Qua đó, giúp địa phương thực hiện chế độ, chính sách liên quan cho những người làm việc, công chức, viên chức đang công tác tại đây, cũng như các vấn đề liên quan đến việc cấp kinh phí và quản lý tài chính ngân sách phục vụ hoạt động của đơn vị đúng quy định.

An Giang đang tiếp tục đổi mới thực hiện cơ chế “một cửa", "một cửa liên thông”; hiện đại hóa phương thức chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông; huy động mọi nguồn lực để thực hiện cải cách TTHC với quan điểm lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực để cải cách TTHC, lấy sự hài lòng của người dân để đánh giá kết quả thực hiện; bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo khách quan. Tỉnh thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; nâng cao mức độ hài lòng của người dân, DN đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước.

HẠNH CHÂU