Đoàn công tác tỉnh An Giang khảo sát tuyến đường tuần tra biên giới
Trong điều kiện xuất phát điểm rất thấp sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, An Giang phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, thường xuyên đối phó với thiên tai, ngập lụt, sạt lở với nhiều thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản của nhân dân. Nhưng với ý chí vươn lên mạnh mẽ, không lùi bước, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân An Giang đã đoàn kết một lòng, tập trung khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh đưa quê hương Bác Tôn vượt lên nghèo khó. Từ một tỉnh thuần nông với giá trị sản xuất thấp, An Giang đã trở thành một trong các tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, với nhiều đột phá, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất , tạo ra bước ngoặt quan trọng trong phát triển, đặc biệt là trong nông nghiệp. Từ ngưỡng thiếu lương thực, với sản lượng lúa chỉ khoảng 850 ngàn tấn/năm vào năm 1986, An Giang là tỉnh đầu tiên có sản lượng lương thực đạt 3 triệu tấn/năm vào năm 2007, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu cho quốc gia.
Ghi nhận những thành tựu đáng tự hào trong kháng chiến và trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, quân và dân An Giang vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng Huân chương Sao vàng và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang khảo sát công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu tại siêu thị Co.opmart Tân Châu
Những năm gần đây (2015 - 2020), mặc dù chịu tác động không nhỏ của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và trong nước, cùng với ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, sạt lở, dịch bệnh… nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân An Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nắm bắt tốt thời cơ, vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra . Kinh tế tăng trưởng qua từng năm, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 5,25% (giai đoạn 2010 - 2015 đạt 5,07%) . Các chỉ số cải cách hành chính, quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đều tăng . Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm 1 năm so chỉ tiêu Nghị quyết (có 61 xã và 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn). Đời sống người dân không ngừng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng, tương đương 1.910 USD (tăng 16 triệu đồng so năm 2015).
Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang thăm hỏi tình nguyện viên và người dân tại “Quầy hàng 0 đồng” xã Phú Vĩnh
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang trao bảng tượng trưng hỗ trợ 100 tấn gạo, 110 tấn rau, củ cho người dân TP. Hồ Chí Minh gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19
Đoàn công tác Tỉnh ủy, Quân khu 9 thăm lực lượng hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa
Bên cạnh đó, An Giang luôn quan tâm thực hiện đồng bộ các chính sách phúc lợi, an sinh xã hội, trước hết là giáo dục, y tế, việc làm, giảm nghèo và nhà ở. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2020 giảm còn 1,93% (giảm bình quân 1,5%/năm). Giáo dục - đào tạo phát triển về quy mô, chất lượng ; mạng lưới trường, lớp được đầu tư rộng khắp; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; cơ sở vật chất phục vụ khám, chữa bệnh được tăng cường; nguồn nhân lực y tế phát triển về số lượng và chất lượng; nâng cao năng lực y tế dự phòng, ngăn chặn nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, nhất là phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các chỉ tiêu về sức khỏe cộng đồng được cải thiện . Huy động mọi nguồn lực xã hội để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân vùng khó khăn, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở, hộ chính sách, hộ hộ nghèo… góp phần tạo nên nét văn hóa “An sinh xã hội vì cộng đồng” mang đậm dấu ấn riêng của An Giang. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã và đang bùng phát mạnh, làm tổn thất to lớn đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân và kinh tế cả nước, nhân dân An Giang đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chia sẻ, giúp đỡ nhau chống chọi với dịch bệnh. Nhiều nghĩa cử cao đẹp đã xuất hiện như: “Bếp ăn không đồng”, “Cửa hàng không đồng”, “Chuyến xe không đồng” và nhiều tập thể, cá nhân đã tự nguyện đóng góp tài chính, phương tiện cho công tác phòng chống dịch bệnh, thể hiện tinh thần đoàn kết nhân ái của người dân An Giang và của dân tộc ta.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang thăm, động viên và tặng quà chốt phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Châu Đốc
Quốc phòng- an ninh được giữ vững. Khu vực phòng thủ được xây dựng vững chắc, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng biên giới, vùng dân tộc. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Phương thức lãnh đạo của Đảng bộ có nhiều đổi mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tổ chức bộ máy được nâng chất, tinh gọn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả …
Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố biên giới về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Trong giai đoạn hiện nay (2021 - 2025), với phương châm “Dân chủ - Đoàn kết - Khát vọng - Phát triển”, An Giang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, “sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khát vọng phát triển, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, dân chủ, đổi mới, sáng tạo; giữ vững quốc phòng, an ninh; khai thác tốt lợi thế và tiềm năng, tập trung thực hiện các khâu đột phá , tạo động lực mới để đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân An Giang nguyện sống, chiến đấu, công tác, học tập theo gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cùng đoàn kết một lòng, góp phần xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp như sinh thời Bác từng kỳ vọng.
*TS. Lê Hồng Quang,
Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang