Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, đối thoại với người nghèo và tập trung nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo, nhiều hộ nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo; huy động được các nguồn lực của cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh... thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Trao học bổng hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Đầu năm 2022, toàn tỉnh có 20.129 hộ nghèo (chiếm 3,82%), đến cuối năm, còn 14.872 hộ nghèo (chiếm 2,81%), giảm 1,01% so đầu năm. Hộ nghèo là người dân tộc thiểu số (DTTS), đến cuối năm 2022 còn 3.161 hộ (chiếm 11,70%/tổng số hộ DTTS), giảm 3,15% so đầu năm. Về hộ cận nghèo, đến cuối năm 2022 giảm còn 24.370 hộ (chiếm 4,61%), giảm 1,32% so đầu năm. Thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KTXH tại huyện nghèo, trong năm 2022, thực hiện nâng cấp 17 công trình, bảo dưỡng 15 công trình, với tổng vốn đầu tư trên 66 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 60 tỷ đồng).
Để đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, năm 2022, tỉnh được phân bổ trên 13,6 tỷ đồng (ngân sách Trung ương gần 12,4 tỷ đồng); dự kiến triển khai 27 mô hình giảm nghèo cho 810 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia, tỉnh phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn hỗ trợ trong 6 tháng đầu năm 2023. Riêng năm 2023, tỉnh được phân bổ trên 34,3 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hơn 31,2 tỷ đồng), hiện các địa phương đang khảo sát để xây dựng các mô hình giảm nghèo, phấn đấu cuối năm 2023 hoàn thành giải ngân vốn.
Trao “cần câu”, giúp dân thoát nghèo
Thực hiện tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, tiến hành triển khai 18 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, hỗ trợ 263 hộ tham gia dự án (132 hộ nghèo, 109 hộ cận nghèo và 109 hộ mới thoát nghèo); tỉnh phấn đấu trong 6 tháng đầu năm 2023 tổ chức giải ngân hoàn thành chỉ tiêu phân bổ là 7 tỷ đồng. Năm qua, toàn tỉnh mở 179 lớp đào tạo nghề trình độ ngắn hạn cho gần 5.400 học viên là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… với tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng. Qua đó, giúp cho người lao động có được kiến thức, kỹ năng nghề góp phần tạo việc làm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Thực hiện hỗ trợ và cấp 249.986 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, DTTS, người dân vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện miễn, giảm học phí và các chi phí khác cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công, DTTS; hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho 20.129 hộ nghèo. Thực hiện tín dụng chính sách xã hội, với doanh số cho vay trên 1.274 tỷ đồng, có hơn 36.000 lượt hộ vay vốn.
Nông dân Phan Văn Bé (ngụ phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tôi đầu tư máy móc, thực hiện mô hình trồng bưởi da xanh, trồng cam, mang lại thu nhập ổn định. Ngoài ra, con tôi còn được vay vốn học đại học, còn 2 năm nữa con ra trường và trở thành kỹ sư nông nghiệp. Tôi cám ơn chính quyền địa phương, ngân hàng trao tôi “cần câu”, tạo động lực để gia đình thoát nghèo”.
Khơi dậy ý chí vươn lên
“Để giảm nghèo bền vững, chính sách giảm nghèo phải theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản... Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng KTXH, nhất là ở các vùng khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết.
Theo đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “Tương thân tương ái” đối với người nghèo. Khuyến khích, mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo… thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đa dạng sinh kế, mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất…
Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành, như: Chính sách tín dụng ưu đãi, dạy nghề; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh; hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý...
Đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực khác nhau để không bị chồng chéo, trùng lắp. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước và xã hội. Đổi mới phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng.
Năm 2023, hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh dự kiến giảm 1-1,2%; hộ nghèo DTTS giảm từ 3-4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2%/năm. Dự kiến, tỉnh An Giang hỗ trợ 518 căn nhà (449 căn xây mới, 69 căn sửa chữa), kinh phí thực hiện gần 21,3 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trên 19,3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 2 tỷ đồng). |
THU THẢO