An Giang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

12/12/2022 - 07:07

 - Phát triển bền vững là phát triển cân đối cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. An Giang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng không đánh đổi môi trường, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, để “Không ai bị bỏ lại phía sau”. Khi thực hiện đạt mục tiêu này, vùng đất An Giang sẽ trở thành “nơi đáng sống”.

Giảm nghèo, tạo việc làm

Thực hiện Quyết định 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8/5/2018, UBND tỉnh đã có Quyết định 1015/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh An Giang. Mục tiêu của tỉnh là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng xã hội hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.

Tỉnh cùng các địa phương đã nghiên cứu, lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của địa phương trong quá trình xây dựng các kế hoạch phát triển KTXH 5 năm, hàng năm và Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, hàng năm, tỉnh thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó nguồn vốn ngân sách và từ nguồn vận động xã hội hóa trên 400 tỷ đồng. Nếu như đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 8,45% thì đến cuối năm 2022, giảm xuống còn 1,2% (kể cả hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội). Toàn tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên thuộc chính sách ưu đãi người có công; thu nhập bình quân của người nghèo năm 2022 tăng 2 lần so năm 2015.

Năm 2022, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 18.530 người; giải quyết 18.835 trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng kinh phí trên 314 tỷ đồng; tư vấn việc làm cho hơn 17.000 lượt lao động; hỗ trợ 311 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2022 đạt 68% trên tổng số lao động của nền kinh tế.

Tỉnh tiếp tục thực hiện chi trả đối với gần 7.000 người có công với cách mạng với kinh phí gần 15 tỷ đồng/tháng; thực hiện khám, chữa bệnh cho 4.877 lượt người nghèo; khám, chữa bệnh miễn phí cho 3.769 lượt trẻ em dưới 6 tuổi; quan tâm giúp đỡ 259 trẻ em mồ côi bị ảnh hưởng bởi COVID-19...

Hệ thống y tế cơ sở của An Giang được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại địa phương, đồng thời phát triển chuyên khoa hóa tuyến tỉnh, giúp mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế cần thiết.

Phát triển nông thôn, du lịch theo hướng xanh

Là một tỉnh nông nghiệp, An Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2020.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của nông sản. An Giang ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, nông nghiệp thông minh, gắn nông nghiệp với du lịch (DL), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết nối với công nghiệp chế biến và thị trường.

Tỉnh triển khai Đề án tái cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào chuỗi liên kết phát triển sản xuất - chế biến - tiêu thụ; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

Cùng với nông nghiệp thì DL được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của An Giang, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, ngày 5/7/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 442/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động về phát triển hạ tầng DL tỉnh An Giang năm 2022. Đến nay, tỉnh đã thu hút đầu tư 25 dự án DL với tổng mức đầu tư hơn 6.328 tỷ đồng.

Ngành DL đang tập trung phát triển một số loại hình, như: DL tâm linh; DL tham quan, nghỉ dưỡng; DL sinh thái rừng tràm, nhà vườn; tham quan di tích lịch sử văn hóa, phát triển một số sản phẩm mới (DL nông nghiệp công nghệ cao, DL trải nghiệm, khám phá)… Qua đó, góp phần đa đạng đối tượng khách, tăng hiệu quả quảng bá DL An Giang.

Ngoài 2 khu công nghiệp chính là Bình Hòa và Bình Long, một số khu công nghiệp đang quy hoạch, toàn tỉnh hiện có 7 cụm công nghiệp được thành lập, tổng diện tích 201ha; 17 cụm công nghiệp được lập quy hoạch chi tiết để tạo điều kiện cho các địa phương thu hút đầu tư, tổng diện tích trên 445ha. Những khu, cụm công nghiệp sẽ tạo điều kiện để tỉnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp dệt may theo hướng tăng giá trị, tận dụng tối đa cơ hội từ các FTAs (hiệp định thương mại tự do thế hệ mới) đã ký kết.

Trong thực hiện tái cơ cấu KTXH và tái cơ cấu ngành công nghiệp, An Giang xác định nội dung điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, An Giang còn thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm tại nguồn, kiểm soát việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Công tác quan trắc môi trường được tỉnh thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ tại khu vực sông Tiền, sông Hậu, kênh, rạch nội đồng, khu nuôi trồng thủy sản, khu đô thị, khu DL, khu vực công nghiệp, nông nghiệp, bãi rác… Tỉnh còn tăng cường thực thi pháp luật, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước.

Phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, cuộc sống an toàn, dân chủ và công bằng xã hội là định hướng quan trọng về phát triển bền vững mà An Giang luôn quan tâm thực hiện.

HOÀNG XUÂN