An Giang khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch

13/11/2024 - 06:40

 - Với nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và con người nghĩa tình, An Giang luôn là nơi thu hút du khách.

Vừa qua, gia đình chị Lê Thanh Thùy Trang (TP. Hồ Chí Minh) đã có chuyến du lịch (DL) về An Giang 3 ngày 2 đêm khá trọn vẹn. Sau khi khám phá chợ nổi Long Xuyên, tham quan cù lao ông Hổ, chị cùng gia đình viếng Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, rừng tràm Trà Sư, thưởng ngoạn núi Cấm và thưởng thức đặc sản mùa nước nổi. “Phong cảnh An Giang rất đẹp và độc đáo, món ăn rất ngon, hấp dẫn và hợp khẩu vị với mọi người. Chắc chắn, chúng tôi sẽ trở lại vùng đất hiền hòa này cùng những người bạn vào dịp gần nhất” - chị Thùy Trang chia sẻ.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 10 tháng của năm 2024, An Giang đón khoảng 8,7 triệu lượt khách (tăng 7,3% so cùng kỳ năm 2023, ước đạt 97% kế hoạch năm 2024). Trong đó, khách sạn đạt chuẩn và doanh nghiệp lữ hành đón trên 300.000 lượt khách (tăng 7,1%, ước đạt 85% kế hoạch năm 2024); lượt khách lưu trú tại nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 340.000 lượt. Doanh thu từ hoạt động DL ước đạt 9.900 tỷ đồng (tăng 77%, ước đạt 160% kế hoạch năm 2024).

Toàn cảnh núi Cấm

Là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh, ẩm thực đa dạng, văn hóa phong phú, An Giang luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Ngành DL An Giang đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, khai thác lợi thế sẵn có, tập trung phát triển DL tâm linh, DL sinh thái kết hợp trải nghiệm, nghỉ dưỡng… Tuy nhiên, làm thế nào để giữ chân du khách ở lại lâu hơn đang là bài toán chưa có lời giải hữu hiệu đối với ngành DL An Giang. Rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc này, như: Thiếu cơ sở lưu trú, trung tâm mua sắm đạt chuẩn; chưa có khu vui chơi, giải trí quy mô; sản phẩm DL giữa các vùng, địa phương chưa có sự liên kết chặt chẽ; môi trường DL vẫn còn tiềm ẩn hoạt động kinh doanh thiếu lành mạnh; tình trạng chèo kéo, “chặt, chém” vẫn còn xuất hiện…

Anh Đỗ Thanh Tân (du khách đến từ tỉnh Bình Dương) chia sẻ: “An Giang sở hữu rất nhiều điểm đến hấp dẫn, nhưng vẫn chưa có địa điểm nào quy mô lớn, tích hợp đa dạng dịch vụ để du khách trải nghiệm. Ngoài ra, khách sạn lớn khá ít nên khó giữ chân mọi người ở lại lâu hơn. Tỉnh cần đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng và đa dạng dịch vụ, sản phẩm DL, đặc biệt là đầu tư khu DL quy mô lớn”.

Nghi thức rước bà xuống núi về nơi an vị tại Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc)

Để xây dựng DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, ngành DL tỉnh tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm DL đặc trưng phù hợp tiềm năng, thế mạnh của từng địa bàn, ưu tiên phát triển DL văn hóa làm nền tảng. Đồng thời, phát triển các loại hình DL mới trên cơ sở khai thác tài nguyên, gắn kết sản phẩm liên ngành, hình thành sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm, tạo giá trị gia tăng cho ngành DL; nâng cao chất lượng loại hình DL gắn với lễ hội văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc.

Ngành DL tỉnh chú trọng đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người An Giang với cả nước và bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển DL. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DL, từng bước đáp ứng sự phát triển của DL trong thời kỳ hội nhập.

Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh: "Thời gian tới, tỉnh sẽ nỗ lực mời gọi đầu tư khu, điểm DL, khách sạn, resort chất lượng cao, phù hợp với quy hoạch của tỉnh và đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, mời gọi nhà đầu tư chiến lược về điểm DL lớn, tạo điểm nhấn DL tỉnh An Giang. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực DL; tuyên truyền, truyền thông, quảng bá DL An Giang đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành DL. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực DL, đảm bảo an ninh trật tự, giá cả dịch vụ, bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan…".

TRUNG HIẾU