Giảm mối nguy từ cộng đồng
Trước tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 22/CĐ-TTg, ngày 14/3/2024, yêu cầu tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Trước đó, ngày 26/2/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có Chỉ thị 1296/BNN-TY. Tại An Giang, công tác phòng, chống bệnh dại được tỉnh tập trung thực hiện.
Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong quản lý chó, mèo được tăng cường thường xuyên; tổ chức bắt chó thả rông để giảm nguy cơ lây bệnh dại từ cộng đồng. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang Trần Tiến Hiệp cho biết, năm 2023, toàn tỉnh tổ chức 41 đợt bắt chó thả rông (169 con), xử lý 24 con chó vô chủ, phạt hành chính 4 chủ nuôi (5 triệu đồng), phạt cảnh cáo 141 trường hợp.
Công tác bắt chó thả rông được tăng cường
Từ đầu năm 2024, công tác phối hợp tuyên truyền phòng, chống bệnh dại kết hợp bắt chó thả rông tiếp tục được triển khai khắp huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đến tháng 4/2024, toàn tỉnh tổ chức 8 đợt bắt chó thả rông, với 33 con chó bị tạm giữ, trong đó xử lý 9 con chó vô chủ, xử phạt hành chính 6 chủ nuôi (5,5 triệu đồng), phạt cảnh cáo 18 trường hợp.
Tăng trách nhiệm địa phương
Để góp phần kiểm soát ổ dịch bệnh dại trên động vật, phòng ngừa ổ dịch mới phát sinh và lây lan, giảm thiểu ca tử vong, tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy ký công văn yêu cầu UBND huyện, thị xã, thành phố, sở, ban, ngành liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại theo đúng quy định của pháp luật về thú y, phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Chỉ thị 11/CT-TTg, ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, UBND cấp huyện đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân; hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh; thực hiện đầy đủ việc tiêm, điều trị dự phòng bệnh dại khi bị động vật, đặc biệt chó, mèo cắn.
Địa phương hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo và động vật khác có nguy cơ gây bệnh cam kết thực hiện đúng, đầy đủ quy định nuôi, nhốt, quản lý, nhất là việc khai báo, tiêm vaccine và phòng, chống bệnh dại; không để chó, mèo thả rông. Khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, phải quản lý và thực hiện đầy đủ biện pháp bảo đảm an toàn cho người xung quanh (chó phải được đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt), bảo đảm vệ sinh môi trường.
UBND cấp huyện chỉ đạo tăng cường xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; điều tra, truy tố trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra vụ việc chó dại cắn người gây tử vong.
Phối hợp đồng bộ
Sở NN&PTNT An Giang được giao triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh kịp thời, hiệu quả (theo Quyết định 828/QĐ-UBND, ngày 26/4/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2022 - 2030); phối hợp cơ quan y tế giám sát bệnh dại, phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch. Tất cả trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại trên động vật phải được lấy mẫu, gửi đến phòng thí nghiệm thú y để xét nghiệm.
Đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT thống kê, tổng hợp, báo cáo đầy đủ, chính xác thông tin về hộ nuôi chó, số chó nuôi, tiêm phòng vaccine bệnh dại tại tổ, khóm, ấp, xã, phường, thị trấn; tình hình bệnh dại lên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật (VAHIS). Đồng thời, triển khai tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn vật chó, mèo ở từng địa bàn trong năm 2024 và các năm tiếp theo; thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh dại tại địa phương có nguy cơ cao về bệnh dại.
Sở Y tế phối hợp Sở NN&PTNT An Giang giám sát, phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại trên người, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch. Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức tiêm phòng, điều trị dự phòng bệnh dại đầy đủ, như: Xây dựng kế hoạch cung ứng, sử dụng vaccine và huyết thanh kháng dại; rà soát, kiện toàn, mở rộng số lượng điểm tiêm chủng phục vụ công tác điều trị dự phòng, đảm bảo khả năng dễ tiếp cận, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ cao, mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm; đủ trang thiết bị, vaccine và huyết thanh kháng dại đã được cấp phép sử dụng.
Sở, ngành phối hợp tuyên truyền phòng, chống bệnh dại trong cộng đồng; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chủ động phòng bệnh, hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi bị động vật cắn.
|
HOÀNG XUÂN