An Giang-Lan tỏa học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Kỳ 2: An Giang đứng đầu cả nước về xã hội hóa xe chuyển bệnh miễn phí

07/10/2020 - 16:22

 - An Giang đứng đầu cả nước về vận động mua xe cứu thương miễn phí chuyển bệnh nhân từ thiện, với tổng cộng gần 200 chiếc. Ở vùng đất cuối cùng Tây Nam Tổ quốc, người người, nhà nhà tham gia đóng góp mua xe chuyển viện, trở thành một phong trào đầy tình nhân ái giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Đây là tỉnh được Trung ương đánh giá cao về phong trào mua xe từ thiện, được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước học tập kinh nghiệm.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng xe cứu thương miễn phí cho Bệnh viện Tim mạch An Giang.

Xe cứu thương từ nguồn xã hội hóa kịp thời chở bệnh nhân cấp cứu bất kể ngày đêm

Nhờ có xe cứu thương ở các xã đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời

Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang trao tặng xe cứu thương cho Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang

Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang cho biết: dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, cần được sự giúp đỡ trong cộng đồng vẫn còn nhiều. Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang đã đề ra nhiều hoạt động xã hội nhân đạo thiết thực, có hiệu quả để giúp đỡ những người nghèo như: cất nhà Chữ thập đỏ, xây dựng cầu đường, hiến máu tình nguyện, giúp tiền cho người nghèo trị bệnh, khám chữa bệnh bằng thuốc nam… Trong đó, nổi bật nhất là hoạt động chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng và công tác xã hội nhân đạo từ thiện. Đặc biệt là mô hình xe chuyển bệnh miễn phí. Nhiều nông dân sẵn sàng bỏ ra vài trăm triệu đồng để sắm xe hơi, giao Hội Chữ thập đỏ quản lý, chuyển bệnh nhân miễn phí làm phước cứu người.

Theo Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Huỳnh Thanh Ngọc: Hội luôn đề ra nhiều hoạt động xã hội nhân đạo thiết thực nhằm giúp người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt các gia đình nông thôn, vùng sâu, dân tộc khi có người bệnh vào ban đêm thì việc chuyển người bệnh đi điều trị bệnh ở các bệnh viện tuyến trên rất khó khăn. Muốn chuyển bệnh phải chuyên chở bằng xuồng máy hay bằng các phương tiện thô sơ, chuyển bệnh rất nguy hiểm, không kịp thời, đôi lúc bệnh nhân chết trước khi đến bệnh viện. Từ thực trạng đó, Hội đã có suy nghĩ tạo điều kiện để chuyển bệnh cứu chữa kịp thời.

Đầu tiên huyện Châu Phú xin phép cấp ủy Đảng, chính quyền vận động kinh phí mua xe chuyển bệnh, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đóng góp mua được xe ô tô 7 chỗ để chuyển bệnh miễn phí. Những xe này đều là xe ô tô cũ đã qua sử dụng được mua với giá từ 60 đến 120 triệu đồng/xe; đem về chế tạo, lắp đặt băng ca để người bệnh nằm khi chuyển bệnh.

Đến đầu năm 2008 Thường trực Hội Chữ thập đỏ tỉnh có chủ trương vận động mua xe chuyên dùng, không dùng xe cải tạo lại vừa không an toàn, vừa vi phạm pháp luật. Hội Chữ thập đỏ đã mạnh dạn đề xuất các cấp ủy Đảng, chính quyền cho phép vận động nhân dân đóng góp kinh phí để mua xe chuyển bệnh có chất lượng cao, là xe chuyên dùng nhập khẩu mới từ Nhật Bản và Hàn Quốc để chuyển bệnh được an toàn và nhanh chóng hơn.

Đầu tiên Hội Chữ thập đỏ huyện Châu Phú xin UBND huyện cho phép tổ chức vận động mua xe chuyển bệnh chuyên dùng cho Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện. Hội thành lập Ban Vận động để vận động các tổ chức kinh tế xã hội, các nhà doanh nghiệp, các nông dân có ruộng đất nhiều, các nhà hảo tâm… Chỉ trong thời gian 60 ngày, Hội Chữ thập đỏ bệnh viện mua được 1 xe chuyên dùng mới hiệu HUYN DAI của Hàn Quốc trị giá 470 triệu đồng. Đây là xe chuyên dùng đầu tiên Hội Chữ thập đỏ mơ ước, nay đã thành hiện thực và phục vụ chuyển bệnh rất hiệu quả. Với khí thế này, Hội Chữ thập đỏ huyện tiếp tục vận động để mua thêm xe chuyên dùng thứ hai. Chỉ sau 47 ngày đã đủ tiền mua xe TOYOTA Nhật, trị giá 630 triệu đồng.

Đến nay, mô hình xe chuyển bệnh miễn phí đã được phát triển 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, có xã có từ 2-3 chiếc xe, người dân, doanh nghiệp còn đóng góp tiền mua xe chuyển viện tặng cho các bệnh viện, trung tâm y tế để đáp ứng nhu cầu chuyển viện miễn phí cho bệnh nhân. Tính đến nay toàn tỉnh có gần 200 xe chuyển bệnh miễn phí, trong đó có 180 xe chuyên dùng (trị giá trên 120 tỷ đồng), hằng năm giúp chuyển bệnh trên 6.000 lượt người, trị giá trên 8,3 tỷ đồng từ nguồn vận động trong nhân dân.

Điển hình như ông Ngô Văn Đậu (còn gọi là Tám Đậu, 57 tuổi, ngụ ấp Phú Thượng, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) luôn hết lòng với hoạt động thiện nguyện: từ đóng góp tiền xây cầu, mua xe cứu thương đến thành lập quỹ từ thiện giúp bà con nghèo trong khu vực. Gia đình ông Ngô Văn Đậu có thu nhập từ nghề trồng lúa và nuôi cá với thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm ổn định cho 18 lao động tại địa phương (mức lương hơn 5 triệu đồng/người/tháng). Bên cạnh đó, mỗi năm, mô hình sản xuất của gia đình ông còn tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động tại địa phương. Đặc biệt, ông Đậu đã dành 9ha đất trồng lúa để cho thuê, lấy tiền làm Quỹ từ thiện của gia đình. Ông Đậu chia sẻ: “Năm 2009, nhận thấy bà con trong xã mỗi khi ốm đau, bệnh tật không có xe cấp cứu chuyên dụng để đưa đi bệnh viện, có trường hợp nhà xa quá, khi đưa được bệnh nhân tới bệnh viện đã quá muộn, tôi bàn với 2 người anh góp tiền mua chiếc xe cấp cứu chuyên dụng trị giá 540 triệu đồng để vận chuyển miễn phí người bệnh, đây là chiếc xe chuyển viện đầu tiên ở xã Phú Thành”. Đến năm 2017, gia đình ông tiếp tục mua thêm một chiếc xe cấp cứu mới trị giá 700 triệu đồng dùng để vận chuyển miễn phí người bệnh. Mỗi năm, gia đình ông Tám Đậu đều tham gia đóng góp gần 300 triệu để cùng với địa phương hỗ trợ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng các công trình công cộng… Ông còn hiến hơn 1.000m2 đất và 500 triệu đồng để nâng cấp hoàn chỉnh nghĩa trang của địa phương, góp phần cùng với xã hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Với những đóng góp đáng trân trọng, ông Ngô Văn Đậu 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen (năm 2007 và 2017), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen cùng nhiều bằng khen của UBND tỉnh An Giang về thành tích sản xuất-kinh doanh giỏi; học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đóng góp quỹ Vì người nghèo… Đặc biệt, ông Đậu vinh dự là một trong các điển hình tiên tiến toàn quốc được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Theo Hội Chữ thập đỏ tỉnh: hoạt động xe chuyển bệnh của mỗi xã đều có Ban điều hành do Hội Chữ thập đỏ xã quản lý, khi xe chuyển bệnh về đến nơi đậu vào nhà xe, Ban điều hành kiểm tra, vệ sinh xe, nhiên liệu xăng, dầu và ký lệnh điều xe chạy các tuyến khi có ca phải vận chuyển. Ngoài ra Ban điều hành còn giao cho tài xế xe giữ số tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng để dự phòng khi xe có sự cố dọc đường và chi phí cho tài xế. Hội nghiêm cấm tài xế nhận tiền của người bệnh hoặc thân nhân người bệnh trên chuyến xe chuyển viện. Việc đóng góp luôn tự nguyện, khi muốn đóng góp người dân thì đến Ban điều hành. Số tiền này được nhập vào quỹ mua xăng, dầu chuyển bệnh. Nhưng số tiền đóng góp này không đủ hoạt động nên vào các vụ mùa thu hoạch lúa Hội Chữ thập đỏ phải vận động để làm Quỹ dự trữ phục vụ cho đội xe luôn đủ hoạt động, phục vụ cho nhân dân.

Là xe chuyển bệnh miễn phí, nên tài xế phục vụ cũng là người tình nguyện; chỉ có chi phí ăn uống cho chuyến đi chuyển bệnh. Đội ngũ tài xế Hội Chữ thập đỏ vận động những tài xế trước đây hoạt động kinh doanh, nay đã nghỉ để làm công tác nhân đạo. Có nơi phải chọn cán bộ hội viên Chữ thập đỏ đưa đi đào tạo về phục vụ. Đến nay mỗi xe chuyển bệnh có từ 2 đến 3 tài xế phục vụ.

Hoạt động của đội xe chuyển bệnh từ các ấp, xã vùng sâu đến Bệnh viện huyện, tỉnh và TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời tham gia các chương trình y tế như: tiêm chủng mở rộng, kế hoạch hóa gia đình… Từ khi có đội xe đến nay, đã giảm hẳn những trường hợp đáng tiếc xảy ra như: các bà mẹ phải sinh rớt, sinh khó dẫn đến tử vong; bệnh nặng tử vong trước khi đưa đến bệnh viện như trước đây. Hoạt động của xe chuyển bệnh từ thiện đã tạo sự liên kết chặt chẽ giữa Hội Chữ thập đỏ với ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân một cách thiết thực hơn và đã cứu sống được nhiều người trong cơn thập tử nhất sinh, nhất là “thời gian vàng” của các bệnh nhân tim mạch, đột quỵ...; góp phần cùng địa phương thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân một cách thiết thực và có hiệu quả.

Qua đề xuất của Hội Chữ thập đổ tỉnh, ngày 24-5-2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định quy chế tổ chức, hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí trên địa bàn tỉnh An Giang. Hoạt động của xe chuyển bệnh miễn phí chịu sự quản lý của Hội Chữ thập đỏ các cấp, được sử dụng biểu tượng logo của Hội Chữ thập đỏ, không phải trả phí giao thông khi hoạt động chuyển bệnh trên các tuyến đường trong tỉnh có thu phí cầu, đường, phà… Tiếp theo, ngày 23-9-2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1678/QĐ-UBND, thành lập Tổ thẩm định cấp giấy chứng nhận hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí. Theo nội dung của quyết định này, xe chuyển bệnh miễn phí đủ điều kiện mới được phép hoạt động và không được thu tiền của người nhà người bệnh.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

Kỳ 3: Nhiều tấm gương làm theo Bác tiêu biểu

 

Liên kết hữu ích