An Giang lập trật tự vùng nuôi chim yến

25/05/2023 - 03:25

 - Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung quản lý hoạt động nuôi chim yến, đặc biệt là sau khi Nghị quyết 19/2021/NQ-HĐND, ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh An Giang được ban hành.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang (NN&PTNT), đa số chủ nhà nuôi chim yến không phải là người địa phương (hoặc không sinh sống tại nhà yến). Do đó, đơn vị phối hợp UBND địa phương chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường tuyên truyền, vận động chủ cơ sở thực hiện tốt quy định của pháp luật. Việc tuyên truyền thông qua lồng ghép kê khai hoạt động nuôi, thông qua tổ, nhóm Zalo của chủ cơ sở. Qua đó, hầu hết chủ cơ sở nắm vững, có ý thức thực hiện tốt quy định của pháp luật: Không sử dụng loa phát âm thanh dẫn dụ chim yến, tăng cường xử lý chất thải của chim yến, tránh gây ảnh hưởng môi trường xung quanh.

Tính đến tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh An Giang có gần 1.100 nhà nuôi chim yến. Trong đó, 504 nhà nuôi chim yến được xây dựng tại khu vực không được nuôi chim yến (325 nhà nuôi chim yến được xây dựng kiên cố, 179 nhà xây dựng bán kiên cố, cơi nới từ nhà ở). Đa số nhà nuôi chim yến này đều được xây dựng trước khi Nghị quyết 19/2021/NQ-HĐND được ban hành; không ghi nhận nhà nuôi chim yến xây dựng sau Nghị quyết 19/2021/NQ-HĐND.

HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19/2021/NQ-HĐND tại huyện Thoại Sơn

Các quy định của pháp luật về quản lý cấp phép, đất đai, môi trường đối với hoạt động chăn nuôi chim yến chưa được Trung ương quy định cụ thể. Do đó, các sở, ngành liên quan phối hợp nhằm xây dựng dự thảo quy định quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang (Sở NN&PTNT) chỉ đạo nhân viên chăn nuôi, thú y cấp xã tăng cường phối hợp UBND địa phương, thường xuyên kiểm tra, giám sát nhà nuôi chim yến. Đồng thời, hướng dẫn chủ cơ sở phòng, chống dịch bệnh tại nhà nuôi chim yến, như: Vệ sinh tiêu độc khử trùng theo quy định của ngành thú y; tuyên truyền, vận động khai báo kịp thời với cơ quan chuyên môn khi phát hiện chim yến chết bất thường. 

Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát trước kỳ họp giữa năm 2023 của HĐND tỉnh, xem xét, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 19/2021/NQ-HĐND. Từ đó, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại và hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, xác định nguyên nhân; xem xét phương hướng khắc phục...

Là một trong những địa phương có số lượng nhà nuôi chim yến nhiều (236 nhà, trong đó 83 nhà nằm trong vùng cấm nuôi, được xây dựng trước khi Nghị quyết 19/2021/NQ-HĐND ban hành), thời gian qua, huyện Thoại Sơn tuyên truyền các hộ nuôi thực hiện nghiêm quy định; phải khai báo và đảm bảo môi trường trong quá trình nuôi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Phạm Thành Được cho biết: “UBND huyện quán triệt, triển khai Nghị quyết 19/2021/NQ-HĐND đến các phòng, ban, ngành liên quan, UBND cấp xã thực hiện. Huyện ban hành Công văn 543/UBND-TH, ngày 15/6/2022 về phối hợp xây dựng dự thảo đề án sắp xếp cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.

Phòng NN&PTNT chủ trì phối hợp thực hiện văn bản liên quan, như: Luật Chăn nuôi năm 2018; Nghị định 13/2020/NĐ-CP, ngày 23/11/2020 của Chính phủ; Hướng dẫn 08/HD-SNNPTNT, ngày 27/4/2020 của Sở NN&PTNT. Đồng thời, chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, giám sát nhà nuôi chim yến, nếu phát hiện dịch bệnh thì báo cáo để có hướng xử lý kịp thời”.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh An Giang Nguyễn Duy Toàn đề nghị, UBND huyện Thoại Sơn tiếp tục tăng cường chỉ đạo ngành chuyên môn cấp huyện, UBND cấp xã quản lý tốt việc xây dựng mới nhà nuôi chim yến tại khu vực không được nuôi chim yến; tuyên truyền, vận động chủ cơ sở (có nhà nuôi chim yến nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi chim yến) giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới. Cùng với đó, kiểm tra hoạt động của cơ sở nuôi chim yến về tiếng ồn, vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch bệnh...

Theo Sở NN&PTNT An Giang, yến là loài chim hoang dã, sống thành đàn lớn, bay lượn trên cao nên khó kiểm soát dịch bệnh hơn các loài gia cầm khác. Các nhà nuôi chim yến xây dựng tự phát trong điều kiện chưa được nghiên cứu, điều tra, đánh giá về đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, công nghệ… nên tính hiệu quả trong phát triển nghề nuôi chim yến chưa được đánh giá đúng tầm, dù nghề nuôi chim yến đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

PHƯƠNG LAN