An Giang: Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng chính quyền

25/07/2023 - 06:38

 - Phát huy vai trò là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, UBMTTQVN các cấp trong tỉnh An Giang luôn tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng chính quyền, là cầu nối giữa Đảng, nhà nước với nhân dân, góp phần tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Tặng bảng tượng trưng xây dựng nhà “Nghĩa tình mặt trận”. Ảnh: TRUNG HIẾU

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng cho biết, thời gian qua, công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền của UBMTTQVN các cấp được phối hợp triển khai thực hiện. Các nội dung tập trung giám sát năm 2023 với 18 nội dung, trong đó Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh thực hiện 8 nội dung, các nội dung còn lại do 5 đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì. Các nội dung giám sát tập trung vào: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên cấp huyện theo Quy định 124-QĐ/TW, ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của nhân dân của cơ quan nhà nước thẩm quyền do MTTQ tập hợp phản ánh; việc triển khai các dự án, công trình đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; quyền và lợi ích của tổ chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân...

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức cho nhân dân tham gia giám sát 933 vụ việc liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở và các công trình phúc lợi ở địa phương... góp phần xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh. Công tác nắm, phản ánh tư tưởng dư luận xã hội của MTTQ đến cơ quan Đảng, chính quyền tiếp tục được duy trì và nâng chất (thông qua phiếu khảo sát đối với lực lượng cộng tác viên, UBMTTQVN các cấp) được HĐND, UBND tỉnh tiếp thu và trả lời những vấn đề dư luận nhân dân quan tâm trên nhiều lĩnh vực KTXH, quốc phòng - an ninh.

Bên cạnh đó, UBMTTQVN tỉnh An Giang tích cực tham gia có hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản của HĐND, UBND tỉnh, đã thực hiện góp ý trên 50 dự thảo văn bản của Đảng, nghị quyết HĐND, quyết định của UBND, các dự thảo chương trình, kế hoạch về phát triển KTXH, quốc phòng - an ninh. Công tác phối hợp với đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh và HĐND, UBND, ban thường trực UBMTTQVN cấp huyện tạo điều kiện cho đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp, đảm bảo quy định của pháp luật và tiếp nhận nhiều ý kiến của cử tri về quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định biên giới đã được phản ánh trong nghị trường.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn được Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh hướng dẫn MTTQ các cấp quan tâm phối hợp với các cơ quan thành viên hội đồng phổ biến pháp luật cùng cấp tổ chức với các nội dung hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023; Luật Tiếp công dân; Luật Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; công tác cải cách hành chính...

Công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Cùng với đó, UBMTTQVN huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn vận động, tiếp nhận đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh vào Quỹ “Vì người nghèo” gồm tiền mặt và hiện vật quy tiền với tổng trị giá trên 178,4 tỷ đồng; đã chi 145,8 tỷ đồng, trong đó cất mới 694 căn nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 72 căn; thăm hỏi, tặng quà 256.609 lượt gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; trợ giúp khó khăn đột xuất 29.709 trường hợp; trợ giúp 7.636 em học sinh; hỗ trợ khám bệnh 2.809 trường hợp; thực hiện chương trình an sinh xã hội, như: Cất mới, sửa chữa cầu nông thôn, rải cát, đá, bê-tông và nhựa hóa đường giao thông nông thôn, lắp đèn đường... Hiện nay, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh còn tồn 32,2 tỷ đồng.

Về công tác đối ngoại nhân dân, Ban Thường trực UBMTTQVN huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn phối hợp với tổ chức thành viên tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân, công tác kiều bào và các luật có liên quan đến biên giới.

Vận động nhân dân cư ngụ tại khu vực tuyến biên giới và các hộ gia đình thường xuyên qua lại biên giới làm ăn, mua bán: Không thuê mướn đất sản xuất và khai thác thủy sản trái phép; không tham gia buôn lậu, chứa chấp hàng ngoại nhập lậu; không tham gia tiếp tay đưa người vượt biên trái phép...

Đã tổ chức 55 cuộc tuyên truyền với khoảng 3.300 lượt người tham dự. Nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của nhân dân Campuchia, Ban Thường trực UBMTTQVN huyện, thị xã, thành phố biên giới tổ chức đoàn thăm hỏi, chúc Tết chính quyền, Hội Khmer - Việt Nam và trao tặng quà cho người dân Campuchia gặp khó khăn ở các huyện giáp biên của tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia); đã hỗ trợ 400 phần quà, tổng trị giá trên 120 triệu đồng.

Với những kết quả đạt được trong tham gia xây dựng chính quyền, UBMTTQVN các cấp tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí trong hệ thống chính trị của tỉnh; là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KTXH của tỉnh năm 2023.

TRỌNG TÍN