Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tập trung
An Giang đã đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, đối thoại, chủ động nắm chắc tình hình và giải quyết kịp thời công việc liên quan đến người dân, DN. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, tạo thuận lợi trong giải quyết TTHC cho người dân, DN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC được triển khai. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức công vụ tiếp tục được chú trọng. Năm 2020, tỉnh tập huấn văn hóa công sở, đạo đức công vụ cho 1.000 cán bộ, công chức, viên chức sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; viên chức ngành y tế, giáo dục. Năm 2022, bồi dưỡng đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường cho 260 học viên.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ An Giang Trương Long Hồ cho biết, Chỉ số CCHC (PAR Index) giai đoạn 2020 - 2022 có sự biến động. Năm 2020, An Giang đứng hạng 26/63 tỉnh, thành phố của cả nước; năm 2021 xếp hạng 47; năm 2022 xếp hạng 42 (tăng 5 bậc). Với kết quả đó, An Giang nằm trong nhóm B (điều hành tốt) của Chỉ số CCHC; được công nhận sáng kiến, giải pháp mang lại hiệu quả (triển khai Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh (IOC), nhóm giải pháp hỗ trợ DN vừa và nhỏ). Thứ hạng Chỉ số CCHC tăng, thể hiện quyết tâm và những giải pháp của các cấp chính quyền trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong đó, có nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân, DN đối với chính quyền.
Công tác cải cách TTHC ngày càng được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện. Tiếp nhận và giải quyết TTHC tập trung tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, bộ phận “một cửa” các cấp; ứng dụng tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; cung cấp dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích. TTHC giải quyết đúng và sớm hạn ở cả 3 cấp đạt trên 99%.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số được tỉnh quan tâm, triển khai quyết liệt với các đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, như: Đề án An Giang điện tử, thành lập Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin "một cửa" điện tử tỉnh; đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng Internet, cấp phát máy vi tính phục vụ công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai hệ thống phần mềm “một cửa” của tỉnh, kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành các lĩnh vực. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân, DN; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Việc nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, ý thức phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm. Năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh thực hiện 42 cuộc thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Qua kiểm tra, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, vi phạm; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.
Kết quả đó có sự quyết tâm trong lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy Đảng và chính quyền, nhằm thực hiện tốt công tác CCHC. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở ngày càng giỏi chuyên môn. Đồng thời, giải quyết khó khăn, hạn chế, góp phần xây dựng nền hành chính của tỉnh từng bước hiện đại, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới chất lượng phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Để đạt kết quả cao trong thời gian tới, công tác CCHC cần nâng cao việc phối hợp, liên thông trong giải quyết TTHC giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là đối với địa phương chưa thực hiện tốt. khắc phục ngay tình trạng trễ hẹn tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp, đặc biệt là ở lĩnh vực đất đai; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức gây khó khăn, phiền hà khi tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân; thực hiện tốt văn hóa công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức...
Cần tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương. Đẩy mạnh CCHC, tập trung khâu cải cách TTHC, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, DN. Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho Nhân dân phát huy dân chủ trong giám sát hoạt động quản lý, điều hành, phục vụ Nhân dân của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Đồng thời, duy trì và nâng chất Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số PAR Index, Chỉ số PAPI…
HẠNH CHÂU