An Giang nâng cao đời sống văn hóa đồng bào Chăm

28/07/2022 - 05:39

 - Thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm ở các địa phương luôn cố gắng lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa, nghi lễ, làng nghề truyền thống. Cùng với đó, phát huy tinh thần đoàn kết, hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống dịch COVID-19 và chăm lo an sinh xã hội.

Mới đây, công trình mở rộng thánh đường Ehsa (ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) vừa được khánh thành, thu hút đông đảo bà con DTTS Chăm trong và ngoài tỉnh tham dự. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đa Phước Nguyễn Ngọc Huynh, đây là công trình ý nghĩa, niềm hân hoan của đồng bào DTTS Chăm xã Đa Phước nói riêng, đồng bào DTTS Chăm huyện An Phú nói chung. Thánh đường Ehsa được mở rộng không chỉ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, hành lễ của đồng bào DTTS Chăm mà còn tạo nên vẻ mỹ quan đối với cơ sở hạ tầng địa phương.

“Mong rằng trong thời gian tới, Ban Giáo cả, Ban Quản trị thánh đường Ehsa tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh” - ông Huynh mong muốn.

Thánh đường Ehsa (ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước) có từ năm 1937, sau nhiều lần nâng cấp, đến năm 1992, số lượng tín đồ ngày càng nhiều, đã không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của đồng bào Chăm tại địa phương. Vì vậy, các tín đồ đều thống nhất phương án mở rộng thêm.

Do đó, Ban Quản trị thánh đường đã tiến hành xin phép xây dựng, tiến hành vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ để sửa chữa, mở rộng thánh đường. Sau 4 tháng thi công, thánh đường đã hoàn thành khang trang, sạch, đẹp với kinh phí trên 3,2 tỷ đồng và tổng diện tích mở rộng là 238m2.

Ông Haji AlyDal (Phó Trưởng ban giáo cả thánh đường Ehsa) cho biết, kinh phí đóng góp ban đầu của người dân địa phương ủng hộ để mở rộng thánh đường 825 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn nhận được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước với số tiền trên 2,6 tỷ đồng. Danh sách đóng góp của bà con và nhà hảo tâm đều được Ban Quản trị thánh đường công khai rõ ràng, minh bạch.

“Thay mặt Ban Quản trị thánh đường, chúng tôi xin gửi lời tri ân đến chính quyền, mặt trận đoàn thể các cấp, quý tín hữu trong và ngoài nước đã hỗ trợ kinh phí và góp công, góp sức cho việc xây dựng thánh đường Ehsa được hoàn thành thuận lợi, khang trang như ngày nay” - ông Haji AlyDal thông tin.

Ngày tổ chức lễ khánh thành công trình mở rộng thánh đường Ehsa, ngoài lãnh đạo các ban ngành trong tỉnh, còn có Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo các tỉnh Tây Ninh, Ninh Thuận và TP. Hồ Chí Minh; bà con DTTS Chăm các địa phương đến tham dự. Hay tin khánh thành thánh đường ở An Giang, ông Chiều Cành cùng với gia đình cũng như bà con DTTS Chăm ở tỉnh Ninh Thuận thuê xe đến tham dự.

Hành trình dài 2 ngày, 1 đêm với ông Chiều Cành và gia đình rất vui vì đây là chuyến du lịch hành hương. Vừa được tham quan, hành lễ ở thánh đường mới khang trang, vừa được thưởng thức những nét ẩm thực độc đáo của đồng bào DTTS Chăm An Giang, mua sắm trang phục, sản vật của địa phương về làm quà cho người thân, bạn bè.

“Hầu như nơi nào có khánh thành thánh đường, tiểu thánh đường thì tôi cũng đến để vui mừng, hành lễ. Đi xa tuy cực nhưng rất vui, được bà con ở địa phương đón tiếp rất thân tình, nồng hậu” - ông Chiều Cành chia sẻ. Theo ông Haji Jacky (Trưởng ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh), dịp khánh thành các thánh đường, tiểu thánh đường ở các địa phương thu hút rất đông bà con đồng bào Chăm đến dự. Vì theo quan niệm, người nào đi tham dự lễ khánh thành được 7 lần sẽ có phước lộc giống như đi hành hương về thánh địa Mecca.

Lễ khánh thành công trình mở rộng thánh đường Ehsa diễn ra trong không khí ý nghĩa, các tín đồ Islam vừa vui mừng đón Tết Roya Haji, là một trong 2 đại lễ mang đậm bản sắc dân tộc. Nhân dịp lễ quan trọng có đông đồng bào DTTS đến tham dự, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh cũng đã kêu gọi các quý tín hữu đoàn kết, thực hiện phong trào thi đua yêu nước.

 “Đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc, thực hiện theo đúng giáo lý cơ bản của tôn giáo gắn với học tập và làm theo gương Bác Hồ. Bên cạnh đó, phải luôn giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc. Nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua yêu nước nhằm góp sức mình vào sự phát triển chung của đất nước…” - ông Haji Jacky mong muốn.

Trong những ngày cả nước chung tay phòng, chống dịch COVID-19, cộng đồng Hồi giáo tỉnh đã nỗ lực, cùng hệ thống chính trị tại các địa phương chủ động ngăn ngừa dịch bệnh; vận động trên 10 tỷ đồng để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, qua đó phát huy tinh thần “Tương thân tương ái” giúp đỡ những người yếu thế, chăm lo cho các gia đình khó khăn. Tích cực cùng chính quyền địa phương xây dựng hoàn thành các tiêu chí về an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

“Đây luôn là việc làm ý nghĩa và nhân văn, đúng với tôn chỉ hành đạo của tôn giáo Islam, góp phần cùng với Đảng, nhà nước thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội, đem lại cuộc sống an lành, hạnh phúc cho nhân dân nói chung, đồng bào DTTS Chăm nói riêng” - ông Haji Jacky chia sẻ thêm.

ÁNH NGUYÊN