An Giang nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng

27/10/2023 - 05:34

 - Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới là rất quan trọng, cấp thiết nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đây là cơ sở vững chắc bảo đảm cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh.

Đường lối của Đảng đi vào cuộc sống

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Vai trò của tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, “là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”.

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng trong tỉnh An Giang  luôn xác định đúng đắn nhiệm vụ chính trị ở các TCCSĐ. Việc xác định đúng đắn nhiệm vụ chính trị của TCCSĐ và lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở các TCCSĐ có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng TCCSĐ. Bởi nhiệm vụ chính trị là mục tiêu, phương hướng phấn đấu của các TCCSĐ. Nhiệm vụ chính trị trong bất cứ giai đoạn nào, đều phải phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của Nhân dân.

Chăm lo đời sống Nhân dân, gia đình chính sách

Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, thời gian qua, các cấp ủy Đảng đã quán triệt các chủ trương và thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, công tác xây dựng Đảng ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực, tiến bộ, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển của tỉnh và đổi mới đất nước. Nhiều TCCSĐ giữ vững, phát huy vai trò nền tảng của Đảng và hạt nhân chính trị ở cơ sở bảo đảm cho đường lối của Đảng vào cuộc sống.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, xác định mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng tốc triển khai các nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các cấp ủy Đảng, các sở, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp điều hành KTXH, phục vụ đời sống hàng ngày của người dân.

Kết quả, 9 tháng của năm 2023, tình hình kinh tế của tỉnh có nhiều khởi sắc, GRDP tăng trưởng khá so cùng kỳ (ước tăng 6,41%). Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Qua đó, cho thấy quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH, nâng cao đời sống Nhân dân.

Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh

Là Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh An Giang là một mô hình đặc thù, có vai trò, vị trí rất quan trọng; đảng viên trong Đảng bộ có nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh, các cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy, doanh nghiệp (DN) lớn của tỉnh nên chất lượng hoạt động của các TCCSĐ và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối có vai trò hết sức quan trọng, góp phần thực hiện các chỉ tiêu về KTXH trong tỉnh.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhận xét: "Thời gian qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Đảng ủy Khối và cấp ủy của 100 chi, đảng bộ cơ sở có sự nỗ lực trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

Đồng thời, lãnh đạo tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên và người lao động trong các cơ quan, DN; lãnh đạo và tổ chức thực hiện thực hiện đồng bộ các giải pháp, trọng tâm nhất là nâng cao chất lượng của các chi bộ trực thuộc và chất lượng hoạt động cấp ủy, mối quan hệ phối hợp giữa cấp ủy với lãnh đạo cơ quan, DN trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây Đảng theo chức năng, nhiệm vụ do Trung ương quy định".

Mặc dù với số lượng đảng viên khá lớn, trên 7.000 đảng viên, nhưng đa số đảng viên đều có phẩm chất, đạo đức tốt, có năng lực, có ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện nghiêm quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng, Nhân dân nơi cư trú. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng được Đảng ủy Khối lãnh đạo thực hiện khá tốt.

“Nhìn chung, nội dung, phương thức hoạt động, phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy Đảng có sự đổi mới theo hướng bám sát thực tiễn, mở rộng dân chủ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, gắn kết chặt chẽ các mặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lãnh, chỉ đạo, điều hành đạt kết quả bước đầu; cải cách thủ tục hành chính trong Đảng được quan tâm thực hiện tốt” - đồng chí Lê Văn Phước ghi nhận, đánh giá.

Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị

Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền cho biết: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Y tế nhiệm kỳ 2020 - 2025, hàng năm, Đảng bộ Sở Y tế đều ban hành kế hoạch cụ thể lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Y tế chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh có những chỉ đạo kịp thời theo hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh, cũng như các khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngành y tế An Giang tập trung nỗ lực và thực hiện đạt 15/15 chỉ tiêu theo kế hoạch hàng năm, đạt nhiều thành tựu trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

“Trong lãnh đạo thực hiện công tác tổ chức xây dựng Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Y tế làm việc theo chế độ tập thể, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ theo quy chế đã ban hành và chương trình kế hoạch công tác đề ra. Duy trì họp Đảng ủy định kỳ hàng tháng để kiểm điểm đánh giá tình hình công tác tháng, quý, năm và quyết định chủ trương, biện pháp thực hiện chương trình trọng tâm; họp chuyên đề về công tác tổ chức bộ máy, quy hoạch cán bộ.

Mọi vấn đề đều được Đảng ủy thảo luận, bàn bạc thống nhất trước khi quyết định, thể hiện là một tập thể đoàn kết, gắn bó, có bản lĩnh vững vàng và năng lực điều hành hoạt động toàn Đảng bộ, tạo được uy tín và sự tin tưởng đối với cán bộ, đảng viên tại Đảng bộ” - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế An Gianh Trần Quang Hiền chia sẻ.

Dưới sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển

Là thành phố biên giới, với thế mạnh là du lịch tâm linh, những năm qua, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân TP. Châu Đốc đoàn kết, năng động, sáng tạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt 3 khâu đột phá.

Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền TP. Châu Đốc linh hoạt trong công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tập trung lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tạo đòn bẩy phát triển KTXH. Hạ tầng thương mại được đầu tư, hoạt động phân phối, cung cấp dịch vụ tiện ích và văn minh; các loại hình dịch vụ du lịch, tiền tệ, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục và đào tạo… ngày càng phát triển.

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, Đảng bộ TP. Châu Đốc thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu, tạo tiền đề và động lực thúc đẩy TP. Châu Đốc phát triển toàn diện, bền vững”- Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi thông tin.

Phát huy vai trò hạt nhân của tổ chức Đảng

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các TCCSĐ trong Đảng bộ tỉnh An Giang vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, như: Từng lúc, từng nơi, nội dung, phương thức sinh hoạt của các chi, đảng bộ chậm được đổi mới, còn đơn điệu, chưa sinh động; việc cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào tình hình thực tế ở một số địa phương có lúc còn lúng túng; công tác lãnh, chỉ đạo ở các chi bộ, đặc biệt là các chi bộ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có nơi chưa thực sự kiên quyết; tính nêu gương của một số cấp ủy viên và đảng viên ở cơ sở chưa thực sự phát huy...

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, nhằm từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu TCCSĐ, thời gian tới, các TCCSĐ trong Đảng bộ tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác Đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở.

Đồng thời, phân công cấp ủy viên phụ trách TCCSĐ, cấp ủy viên cơ sở phụ trách địa bàn dự sinh hoạt tại chi bộ. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý đảng viên; kịp thời rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa ra khỏi hàng ngũ của Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách, vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, lối sống.

Kịp thời kiện toàn, sắp xếp lại chi bộ, TCCSĐ phù hợp, đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Kiện toàn TCCSĐ phù hợp với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở, nhất là xã, phường, thị trấn”.

Theo đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các loại hình tổ chức Đảng theo hướng vừa mở rộng dân chủ, vừa tăng cường kỷ cương, kỷ luật; khắc phục tính hình thức đơn điệu trong sinh hoạt, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu, bảo đảm chất lượng… Qua đó, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của TCCSĐ, là trung tâm đoàn kết trong toàn cơ quan, đơn vị. Sự vững mạnh của các TCCSĐ là điều kiện để cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

THU THẢO - HẠNH CHÂU