P.V: Ngân hàng được xem là “mạch máu” của nền kinh tế. Năm 2023, ngành ngân hàng đã đóng góp thế nào vào tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Dũng: Năm 2023, kết quả tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,34%, có phần đóng góp không nhỏ của ngành ngân hàng trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cụ thể, huy động tiền gửi đạt 69.355 tỷ đồng, tăng 10% so cuối năm 2022. Dư nợ cho vay đạt 112.523 tỷ đồng, tăng 10,24% (tăng 10.448 tỷ đồng). Chất lượng tín dụng, kiểm soát tốt nợ xấu chỉ 1,34%, dưới mức cho phép (3%).
Để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh, ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, nhiều chương trình kết nối ngân hàng - DN, lập đường dây nóng để giải quyết thỏa đáng khó khăn, vướng mắc của khách hàng trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng...
Qua đó, kết quả dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 68.709 tỷ đồng, tăng 6,48%, chiếm 63,57% tổng dư nợ toàn địa bàn. Dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua, xuất khẩu lúa gạo đạt 16.360 tỷ đồng, tăng 4,88%. Dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 14.645 tỷ đồng, tăng 12,27% so cuối năm 2022.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, ổn định kinh tế và đảm bảo đủ vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp
P.V: Thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, ngành ngân hàng An Giang đã thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Tuấn Dũng: Hệ thống ngân hàng tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi và phát triển KTXH. Kết quả đạt được là chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã giải ngân hỗ trợ lãi suất cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh với tổng doanh số cho vay từ đầu chương trình là 1.565 tỷ đồng, dư nợ tín dụng 472 tỷ đồng cho 9 khách hàng, số tiền hỗ trợ lãi suất 9,5 tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 29 DN và 154 cá nhân, với số lũy kế dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 1.547 tỷ đồng, số tiền lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 44 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng dư nợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 557,5 tỷ đồng, với 8.651 khách hàng được vay vốn.
Trong đó, cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với doanh số cho vay từ năm 2022 đến nay đạt 390 tỷ đồng, với 7.681 lượt khách hàng vay vốn, giải quyết việc làm cho 8.000 lao động địa phương. Dư nợ cho vay đến 15/12/2023 đạt 390 tỷ đồng, chiếm 67% nguồn vốn của Nghị quyết 11/NQ-CP, dư nợ cho vay bình quân 50,7 triệu đồng/lao động.
Chương trình nhà ở xã hội với doanh số cho vay từ năm 2022 đến nay đạt 150,7 tỷ đồng, cho 361 lượt khách hàng vay vốn, để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở hoặc mua nhà ở xã hội. Dư nợ cho vay đến 15/12/2023 đạt 150,7 tỷ đồng, chiếm 25,5%/tổng nguồn vốn của Nghị quyết 11/NQ-CP, với 361 hộ còn dư nợ.
Chương trình cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến với doanh số cho vay từ năm 2022 đến nay 5,2 tỷ đồng, 419 lượt vay vốn. Đến nay, dư nợ cho vay còn 4,6 tỷ đồng, với 386 hộ còn dư nợ. Về cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đã giải ngân đạt 11,6 tỷ đồng, với 212 khách hàng vay vốn.
Đặc biệt, việc thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, từ ngày 1/1/2022 đến 31/10/2023, đã giải ngân 2.164 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng hơn 39 tỷ đồng, với 67.353 món vay được hỗ trợ lãi suất.
P.V: Năm 2024, ngành ngân hàng có những giải pháp gì chống chọi rủi ro, đảm bảo ổn định kinh tế và tăng trưởng bền vững?
Ông Nguyễn Tuấn Dũng: Trước bối cảnh các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tác động tiêu cực đối với triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của đất nước và An Giang, ngành ngân hàng tỉnh bám sát sự chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mục tiêu chung về tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15%, tùy tình hình có điều chỉnh theo thực tế.
Ngành ngân hàng tỉnh sẽ đáp ứng đủ nguồn vốn tín dụng cho vay trên địa bàn. Tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào sản xuất - kinh doanh, đưa nguồn vốn quay lại ngân hàng và có nhiều vòng quay nữa, để hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ DN và người dân.
Để đạt các mục tiêu tăng trưởng, ngành ngân hàng tập trung các giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh vốn tín dụng cho “tam nông”, thông qua các tổ vay vốn, để phát triển các mô hình liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Triển khai đồng bộ các sản phẩm tín dụng, ưu tiên tín dụng phục vụ “tam nông”, khách hàng DN nhỏ và vừa, khách hàng đầu tư sản xuất trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, sản xuất hàng xuất khẩu…
Đồng thời, tạo đòn bẩy tài chính, giúp DN, hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, góp phần quan trọng phát triển KTXH. Tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của DN và người dân, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”; đảm bảo an sinh xã hội; kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng tại địa phương.
P.V: Xin cảm ơn ông!
TRỌNG TRIẾT - HẠNH CHÂU (thực hiện)