An Giang nhân rộng các mô hình, sáng kiến cải cách hành chính

21/03/2023 - 07:57

 - Thời gian qua, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) tỉnh, UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của nhà nước trong công tác CCHC. Ưu tiên thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Nhiều kết quả tích cực

Mô hình “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” được thực hiện vào thứ tư hàng tuần trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp (DN) được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND cấp huyện và cấp xã trên toàn tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC.

 Để nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân, Sở Tư pháp An Giang thực hiện mô hình tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật qua tin nhắn điện thoại. Ngành y tế vận hành “Ki-ốt thông minh” tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang để rút ngắn quy trình nhận, khám và điều trị cho bệnh nhân. Sở Giao thông vận tải An Giang đã chuyển giao TTHC thuộc thẩm quyền cho 11 UBND cấp huyện và 156 UBND cấp xã trực tiếp tiếp nhận, giải quyết, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của người dân, DN. Công an TP. Long Xuyên thực hiện “Ngày thứ 6 giúp dân”, hỗ trợ thực hiện TTHC trong lĩnh vực cư trú chỉ 1 ngày...

Vận hành “Ki-ốt thông minh” tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang để rút ngắn quy trình nhận, khám và điều trị cho bệnh nhân

Nhiều địa phương thông qua dịch vụ bưu chính công ích tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC không thu phí tại nhà người dân đối với một số TTHC thuộc các lĩnh vực: Đăng ký kinh doanh, xây dựng, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, hộ tịch... hỗ trợ người dân lập tài khoản giải quyết TTHC trực tuyến qua ứng dụng Zalo, tiếp nhận và trả kết quả “đăng ký thành lập hộ kinh doanh” sau 4 giờ làm việc; ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện mô hình “Phòng họp không giấy”…

Ngoài ra, một số sáng kiến, giải pháp hay trong công tác CCHC, như: Sử dụng thiết bị đọc mã QR trên căn cước công dân phục vụ tiếp nhận TTHC tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND TP. Long Xuyên; giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và phát triển DN; giải pháp nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường...

Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, đến nay, tỉnh đã thành lập và triển khai tổ công nghệ số cộng đồng tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố với hơn 6.500 thành viên; phủ kín tổ công nghệ số cộng đồng cấp phường/xã, khóm/ấp.

Một số sáng kiến nổi bật

TP. Long Xuyên là điểm sáng trong công tác CCHC hiệu quả, thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, sắp xếp nhân sự tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả từ thành phố đến xã, phường, đáp ứng giải quyết kịp thời TTHC, phục vụ người dân. Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; tiếp nhận và trả kết quả TTHC thông qua dịch vụ bưu chính công ích; tỷ lệ giải quyết đúng hạn TTHC cho tổ chức, công dân và DN đạt gần 99% trở lên.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) TP. Long Xuyên hiện có 10 phân hệ tương ứng 10 lĩnh vực hoạt động tốt. Năm 2022, TP. Long Xuyên thực hiện hơn 26.700 hồ sơ “Ngày không viết”, “Ngày không hẹn”; hơn 5.500 lượt thư chúc mừng (“có thành viên mới” khi thực hiện đăng ký khai sinh, “trăm năm hạnh phúc” khi thực hiện đăng ký kết hôn), thư chia buồn (khi thực hiện khai tử)...

Xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ đột phá chiến lược, TP. Châu Đốc có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đổi mới. Nổi bật là công tác cải cách tổ chức bộ máy; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó, 100% TTHC của các cấp, ngành được công khai, thống nhất trên môi trường Internet và tại bộ phận "một cửa" các cấp; 100% TTHC được đưa vào tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp xã, phường. Hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng, phần mềm chuyên dụng phát triển. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử của cả 3 cấp đạt 100%... tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong thực thi công vụ.

Tại An Phú - huyện đầu tiên của tỉnh triển khai mô hình chuyển Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sang Bưu điện huyện, để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC đem lại kết quả thiết thực: Thực hiện tốt chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy. Việc chuyển giao giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phòng, ban có nhiều thời gian xử lý công việc chuyên môn tại đơn vị, không phải trực tiếp nhận, xử lý và giải quyết hồ sơ.

Theo Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh An Giang, kết quả đó có sự quyết tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, góp phần thực hiện tốt công tác CCHC, xây dựng nền hành chính của tỉnh từng bước hiện đại, hướng tới chất lượng phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Đây là một trong những điều kiện cần để thu hút các DN gia nhập thị trường và đầu tư sản xuất - kinh doanh tại An Giang, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

HẠNH CHÂU