Mạo danh nhân viên chăm sóc khách hàng
Thẻ tín dụng được xem là phương tiện thanh toán khá tiện ích. Nắm được nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm, nhiều đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng, gọi điện thoại chào mời khách hàng mở thẻ tín dụng online, nâng hạng mức thẻ miễn phí, rút tiền từ thẻ, hỗ trợ đóng phí bảo hiểm thẻ tín dụng hoặc hoàn phí tham gia bảo hiểm…
Vừa mở thẻ tín dụng hạn mức 50 triệu đồng, đã "quẹt thẻ" mua hàng hơn 16 triệu đồng, chị Kim Tuyền (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) muốn chuyển sang hình thức trả góp không lãi suất. Chưa kịp liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng, chị nhận cuộc gọi từ người tự xưng tên Tuấn, nhân viên chăm sóc khách hàng. “Người này hỏi trúng vấn đề đang thắc mắc, tôi trả lời ngay. Họ tiếp tục khai thác hạn mức thẻ tín dụng, số tiền tôi đã sử dụng, trong thẻ còn bao nhiêu; sẽ có nhân viên phụ trách lĩnh vực tín dụng của ngân hàng liên hệ, cần kết bạn Zalo và cung cấp tất cả thông tin người đó yêu cầu” - chị Kim Tuyền nhớ lại.
Cuộc gọi kết thúc, chị Tuyền vội xác minh số điện thoại đó với người bạn làm ở ngân hàng, được khẳng định số điện thoại lừa đảo. Kẻ gian yêu cầu cung cấp thông tin trực tiếp hoặc gửi kèm đường link, mã QR nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản, thẻ tín dụng.
Các ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin qua điện thoại, đặc biệt là mã OTP. Vì thế, người dân cần cảnh giác với cuộc gọi xưng danh là nhân viên ngân hàng như trên.
Shipper “dỏm"
Việc mạo danh shipper (người giao hàng) ngày càng tinh vi. Mới đây, chị Nguyễn Thị H. may mắn thoát khỏi “cú lừa" chuyển khoản tiền hàng 253.000 đồng. Đang trong giờ hành chính, "shipper" liên tục nhắn tin, thúc giục chị chuyển khoản. Kiểm tra lại, chị H. không tìm thấy đơn hàng, thông tin anh ta cung cấp. Vẫn bị nhắn tin, gọi điện hối chuyển tiền liên tục, chị H. đành chặn số máy trên.
“Điều đáng sợ là họ biết tên, địa chỉ, số tiền đơn hàng và nói chuyện cực kỳ chuyên nghiệp. Tôi tự hỏi, những thông tin cá nhân này bị lộ từ đâu? Đây không phải lần đầu tiên tôi bị shipper mạo danh làm phiền" - chị H. lo ngại. Tuy nhiên, không phải ai cũng tỉnh táo trước chiêu lừa như chị. Bởi, nhiều lúc không nhớ rõ mình có đặt hàng hay không, lại thêm sự hối thúc từ shipper, không ít người vội vàng chuyển tiền trước khi kiểm tra thông tin đơn hàng.
“Với những khách quen, đến nhà nếu cửa đóng, tôi tự đặt hàng vào góc khuất ở cổng rào, gửi kèm hình ảnh, số tiền đơn hàng. Có khi khách bận việc, mãi chiều tối mới nhớ chuyển khoản đơn hàng, tôi vẫn không giục. Nhiều khách thương, mỗi lần chuyển khoản đều gửi dư thêm vài ngàn đồng. Nạn shipper giả mạo làm cho nhiều người ngờ vực, dè dặt người làm nghề giao hàng chân chính, tôi rất bức xúc” - anh Hữu Thiện bày tỏ.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người mua hàng online cần kiểm soát chặt chẽ thông tin liên quan đến đơn hàng của mình. Cụ thể, chỉ nên truy cập vào một nền tảng duy nhất. Nếu nhận được bất kỳ đường link từ shipper yêu cầu truy cập, tuyệt đối không làm theo. Thay vì chuyển tiền cho người giao hàng, người mua có thể chuyển khoản trực tiếp cho người bán trước hoặc sau khi nhận hàng xong.
PHƯƠNG LAN