Hỗ trợ kịp thời cho người dân
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang Phạm Sơn cho biết: “Đến nay, tỉnh đã phê duyệt hơn 508 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 379.000 lao động được hưởng 12 nhóm chính sách hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Như chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ gần 1.600 doanh nghiệp (DN) với gần 65.200 lao động, số tiền gần 20 tỷ đồng, đạt 100%; chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 6.285 người, số tiền 23,25 tỷ đồng.
Tỉnh cũng đã phê duyệt hỗ trợ gần 1.900 trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế; trong đó, hỗ trợ gần 1.750 trẻ em là con của NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng lao động, bị ngừng việc, bị chấm dứt hợp đồng lao động; 83 trẻ em là F0, F1, số tiền 2 tỷ đồng. Phê duyệt hỗ trợ 3.028 hộ kinh doanh, số tiền gần 9,1 tỷ đồng…
Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang Trần Thế Loan cho biết: “Thực hiện các nghị quyết và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, qua rà soát danh sách các DN trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã tiếp cận, thông tin đến 1.376 DN, với 34.971 lao động. Đến ngày 25-10, chi nhánh đã giải ngân cho 23 DN, với số tiền gần 4,4 tỷ đồng để trả lương cho 1.759 lượt NLĐ. Trong đó, giải ngân cho 21 DN vay hơn 4,2 tỷ đồng trả lương ngừng việc cho NLĐ và 2 DN vay 153 triệu đồng để trả lương phục hồi sản xuất, với lãi suất cho vay 0%, thời gian vay 11 tháng, khách hàng không cần thế chấp tài sản”.
“Siêu thị mi-ni 0 đồng” hỗ trợ công nhân vượt qua dịch bệnh COVID-19. Ảnh: THANH HÙNG
Chị Võ Thị Phương Trâm (Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH NV Apparel, Khu công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành) cho biết: “Công ty có 3.258 lao động. Đến nay, đã có 3.230 NLĐ đã được hưởng chính sách từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền gần 6,6 tỷ đồng. Ngoài ra, 3.138 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương được hưởng chính sách từ Nghị quyết 68/NQ-CP số tiền hơn 12,6 tỷ đồng. NLĐ trong công ty rất vui mừng và phấn khởi trước những chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ trong tình hình dịch bệnh kéo dài”.
Bà Trâm chia sẻ thêm: “Công ty rất hài lòng với sự hỗ trợ nhiệt tình, trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội, Sở LĐ-TB&XH trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ cho NLĐ. Làm việc cả trong ngày thứ 7, chủ nhật, thủ tục hồ sơ để nhận tiền rất đơn giản. NLĐ trong công ty rất vui mừng, phấn khởi khi nhận được khoản tiền hỗ trợ do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện. Chỉ sau 2 ngày gửi danh sách, công nhân đã nhận được tiền”.
UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã hỗ trợ 14.524 người bán lẻ vé số lưu động số tiền gần 21,8 tỷ đồng; hỗ trợ gần 162.179 lao động tự do với số tiền hơn 243,3 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ từ Quỹ BHTN, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 1.537 đơn vị với gần 65.400 lao động, số tiền 40,6 tỷ đồng; hỗ trợ bằng tiền cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ BHTN cho 57.572 lao động, số tiền hơn 133,2 tỷ đồng... Đã cấp phát hết 3.362 tấn gạo trên cho 224.152 người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 (từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19).
Làm tốt công tác an sinh xã hội
Bên cạnh tập trung phòng, chống dịch COVID-19, công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh được thực hiện đầy đủ kịp thời. Với sự chung tay tham gia của các cấp, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực phối hợp quyên góp và vận động hỗ trợ với nhiều mô hình thiết thực. Tính đến ngày 25-10, 11 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức thực hiện các mô hình, như: “Cửa hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng” và “Quầy hàng 0 đồng”, “Chuyến xe yêu thương”, chương trình “San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch”, “Triệu ly sữa”, “Triệu túi an sinh”… tại 190 địa điểm ở xã, phường, trị trấn. Đã hỗ trợ trên 494.427 lượt hộ dân, với giá trị gần 60,2 tỷ đồng; hỗ trợ gần 241.700 hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, gia đình tại nơi bị phong tỏa, với tổng số tiền và hàng hóa quy tiền gần 129,3 tỷ đồng; góp phần giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.
“Chuyến xe 0 đồng” hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong mùa dịch. Ảnh: H.C
Kiểm tra việc thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá cao tỉnh có nhiều cách làm hay, đưa chính sách hỗ trợ đến người dân, DN; thực hiện tốt các chính sách, giải quyết chi trả kịp thời chế độ cho NLĐ. Qua đó, đề nghị tỉnh khẩn trương triển khai nhanh chóng chính sách và kịp thời hỗ trợ người dân, NLĐ; nhất là hỗ trợ DN vay vốn trả lương ngừng việc và vay vốn phục hồi sản xuất - kinh doanh sau thời gian tạm dừng hoạt động...
Tại buổi làm việc, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, sớm ban hành quyết định sửa đổi Quyết định 23/QĐ-TTg theo Nghị quyết 126/NQ-CP để sớm triển khai thực hiện kịp thời hỗ trợ cho NLĐ, DN. Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính tiếp tục phân bổ hỗ trợ 1.200 tấn gạo cho người dân về quê tự phát và nhóm lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh; sớm hỗ trợ cho ngân sách địa phương 60% kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ đến hết năm 2022 đối với “Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ”...
HẠNH CHÂU