Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Thị Tuyết Minh cho biết, với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các thành viên ban chỉ đạo, Cuộc vận động tiếp tục được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến địa phương, từ thành thị đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã chủ động phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia Cuộc vận động đạt hiệu quả cao nhất.
Đồng thời, lồng ghép nội dung Cuộc vận động vào các phong trào thi đua yêu nước, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Đặc biệt, xem hàng Việt là sự lựa chọn ưu tiên khi mua sản phẩm tiêu dùng cho gia đình và cá nhân; các tổ chức, đơn vị trong tỉnh sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công… góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nhiều việc làm cho người lao động, giúp các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng của doanh nghiệp trong nước trưng bày sản phẩm
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động luôn quan tâm hỗ trợ DN tham gia các hoạt động xúc tiến, mở rộng thị trường trong nước, tổ chức nhiều cuộc kết nối giao thương giữa DN An Giang và DN các tỉnh, thành phố trong nước. Hiện nay, tại các chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ, siêu thị từ trung tâm huyện, thị xã, thành phố đến các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, các mặt hàng sản xuất trong nước, trong tỉnh đã chiếm thị phần lớn. Người dân ngày càng nâng cao kiến thức tiêu dùng, tăng trách nhiệm và niềm tự hào đối với sản phẩm hàng hóa trong nước; DN từng bước mở rộng thị phần và đối tượng khách hàng, đưa hàng Việt phủ sóng rộng rãi trên thị trường..
Điểm nhấn của Cuộc vận động tại An Giang là chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Qua nhiều năm tổ chức, chương trình không chỉ tạo ra sự tương tác 2 chiều giữa DN, nhà phân phối và người dân nông thôn, mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt.
Người dân đến mua sắm tại Chuyến xe lưu động “Hàng Việt về nông thôn” do Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc) tổ chức tại huyện Châu Thành
Những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn do Sở Công Thương chủ trì phối hợp tổ chức trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ, với hàng hóa phong phú, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý và xuất xứ rõ ràng, giúp người tiêu dùng trong tỉnh ngày càng tin tưởng, ưa chuộng sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Đồng thời, còn giúp DN có thêm điều kiện tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong nhân dân. Với những giải pháp sáng tạo, hiệu quả, An Giang đã được Bộ Công Thương đánh giá rất cao và khẳng định là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai Cuộc vận động.
Năm 2022, Sở Công Thương phối hợp Siêu thị Tứ Sơn, Siêu thị Co.opmart Thoại Sơn, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp tổ chức được 99 chuyến xe “Đưa hàng Việt về nông thôn” và 1 chợ hàng Việt tại khắp các địa phương trong tỉnh, cung ứng đa dạng hàng hóa thiết yếu, như: Nhu yếu phẩm, hàng bách hóa, tiêu dùng, đồ gia dụng… có chất lượng đảm bảo cùng với giá cả theo chương trình bình ổn trên địa bàn toàn tỉnh, thu hút trên 150.000 lượt người dân tham quan, mua sắm, với tổng doanh số bán hàng trên 1,8 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho biết: “Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận với các sản phẩm hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, giúp các DN Việt Nam từng bước tiếp cận, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng nông thôn”.
Phát huy những kết quả đạt được, ngày 29/3, tại huyện Tịnh Biên, UBMTTQVN tỉnh phối hợp Sở Công Thương tổ chức lễ phát động Cuộc vận động và chương trình “100 chuyến hàng Việt về nông thôn” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các đơn vị sẽ phối hợp tổ chức 100 chuyến hàng Việt về nông thôn bằng hình thức chuyến xe lưu động tại các chợ, khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, các xã nông thôn, miền núi trong năm 2023. Các sản phẩm, hàng hóa tham gia chương trình được sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá cả hợp lý, do các cơ sở, DN có uy tín trong và ngoài tỉnh sản xuất, phân phối và kinh doanh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Thị Tuyết Minh cho biết, chương trình “100 chuyến hàng Việt về nông thôn” năm 2023 là chuỗi hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động, giúp các DN tiếp cận thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân nông thôn được tiếp cận các sản phẩm do DN trong nước sản xuất đảm bảo chất lượng, có giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội
|
TRUNG HIẾU