Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam
An Giang có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, với nhiều danh lam thắng cảnh và quần thể di tích kiến trúc nổi tiếng. Toàn tỉnh hiện có 89 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích quốc gia và 59 di tích cấp tỉnh, với các loại hình di tích, như: Di tích kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học, danh lam thắng cảnh, lịch sử văn hóa, lưu niệm danh nhân...
Mỗi di tích được xếp hạng đều mang một giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật khác nhau nhưng tổng hòa lại tạo thành một bức tranh đầy màu sắc của vùng đất An Giang. Tỉnh còn sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, đa dạng của các cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Chăm và Hoa. Đây không chỉ là nguồn tài nguyên di sản văn hóa phong phú mà còn là một thế mạnh, tiềm lực để phát triển du lịch.
Thời gian qua, công tác bảo tồn di sản văn hóa, quản lý và tổ chức lễ hội, bảo vệ di sản, trùng tu, tôn tạo di tích của tỉnh được chú trọng và triển khai tích cực, nhất là xây dựng các hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Tỉnh quan tâm hỗ trợ đầu tư tu bổ các di tích lịch sử văn hóa và trùng tu, sửa chữa các di tích đình làng trên địa bàn.
Năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) An Giang đã khảo sát 22 di tích để trùng tu, tôn tạo; triển khai khảo sát, xác định phạm vi các khu vực bảo vệ di tích thuộc các huyện An Phú, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành, phục vụ công tác lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích; xây dựng hồ sơ “Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer tỉnh An Giang” đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng hồ sơ khoa học di tích đình Khánh Hòa (huyện Châu Phú) đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh…
Công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể quan tâm lãnh, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch được ban hành nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
An Giang có hơn 100 lễ hội lớn nhỏ hàng năm, cùng với nhiều làng nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn, ẩm thực, trang phục, ngữ văn dân gian, tri thức dân gian, tôn giáo tín ngưỡng, tập quán cộng đồng... Mỗi loại hình đều mang những giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa khác nhau, chứng minh cho quá trình tồn tại, khai phá, chinh phục vùng đất mới đầy khó khăn của các bậc cha ông, nhưng tổng hòa lại tạo thành nét độc đáo, đặc sắc của hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
An Giang có 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Hội đua bò Bảy Núi, kỹ thuật khắc chữ trên kinh lá buông, lễ hội kỳ yên đình Thoại Ngọc Hầu (huyện Thoại Sơn), nghề dệt thổ cẩm của người Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu), nghi lễ vòng đời người Chăm An Giang, nghệ thuật sân khấu dì kê của người Khmer.
Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, như: Kiểm kê di sản phi vật thể các huyện, các dân tộc thiểu số Khmer, Chăm; tổ chức truyền dạy, trao truyền di sản văn hóa, chú trọng công tác bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, như: Dạy nhạc ngũ âm, độc tấu Chầm riêng Ch’pay, khắc kinh trên lá buông…
Hội đua bò Bảy Núi
Để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, thời gian tới, An Giang tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác tu bổ, trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn tỉnh; chú trọng đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý, bảo tồn di tích; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, giao lưu các hoạt động liên quan lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Qua đó, nâng cao nhận thức và khuyến khích cộng đồng cùng tham gia, tạo môi trường và động lực để nghệ nhân dân gian tiếp tục truyền bá những giá trị di sản văn hóa, văn hóa phi vật thể tới cộng đồng và xã hội.
TRUNG HIẾU