An Giang phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã bằng khoa học và công nghệ

25/05/2023 - 03:28

 - Toàn tỉnh có khoảng 7.000 doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, 2 liên hiệp hợp tác xã (HTX) và 278 HTX. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), kỹ thuật vào sản xuất góp phần đưa An Giang trở thành tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về sản lượng lúa, cá tra.

Phó Giám đốc Sở KH&CN An Giang Phan Văn Kiến cho biết: “Với định hướng lấy DN làm trung tâm hoạt động, 5 năm qua, ngành KH&CN tỉnh hỗ trợ triển khai 162 nhiệm vụ KH&CN từ cấp quốc gia đến cơ sở. Các nhiệm vụ chú trọng giải quyết vấn đề KH&CN có tính ưu tiên, mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến nông sản, cây dược liệu gắn HTX, DN”.

Nhiều thành tựu nổi bật trong nghiên cứu, phát triển giống lúa, thủy sản, heo, bò chất lượng cao… tạo cơ sở, nền tảng phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần quan trọng đưa hàng hóa của An Giang tham gia vào sản phẩm chiến lược quốc gia.

Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, công tác ứng dụng KH&CN đã chuyển biến mạnh mẽ. Điển hình như HTX nông nghiệp Long Bình (huyện An Phú) sản xuất xoài xuất khẩu theo nhu cầu thị trường, hỗ trợ xã viên ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng triệt để phương pháp tưới nhỏ giọt Israel, không sử dụng thuốc trừ sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư.

Theo đó, với 620ha xoài keo vàng sản xuất theo hướng hữu cơ, sản lượng 18.600 tấn/năm, HTX chọn thị trường khó tính nhất, đưa ra quy trình sản xuất cho nông dân. Đây là hướng đi đúng giúp HTX nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, kết nối DN tiêu thụ sản phẩm, chinh phục thị trường hơn 10 quốc gia: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Liên minh Châu Âu (EU), Nga… thường xuyên cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến rau quả Nafoods, Doveco, Antesco…

Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất

Mô hình “Mặt ruộng không dấu chân” của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời là điển hình về tiết giảm 30% giống, 20% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của KH&CN trong chuỗi giá trị, DN luôn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KH&CN tiên tiến vào thực tiễn hoạt động.

Đến nay, Viện Nghiên cứu nông nghiệp của Lộc Trời đã lai tạo, chọn lọc và phục tráng giống cây trồng (lúa, rau màu và cây ăn trái), quy trình canh tác đặc trưng cho từng vùng địa lý, yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu, nghiên cứu về phân bón, dinh dưỡng cho cây trồng, thực phẩm sau gạo có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, áp dụng công nghệ cao, như: Drone, máy gieo sạ tiết kiệm, cơ giới hóa đồng bộ trong toàn bộ khâu canh tác cây lúa, nông nghiệp tuần hoàn, tạo giá trị tăng thêm cho nông dân...”.

Nhiều nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại trong xây dựng ao chuồng cho vật nuôi được thực hiện. Trong lai tạo, chọn giống thủy sản, ứng dụng KH&CN mới đã nâng tỷ lệ sống trong giai đoạn ương nuôi cá tra đạt gần 50%, đáp ứng số lượng, chất lượng con giống, khả năng tăng trưởng nhanh, góp phần nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, toàn tỉnh có 33 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, như: Cơ giới hóa đồng bộ trên cánh đồng (máy bay không người lái); trồng dưa lưới, rau màu trong nhà màng; hệ thống tưới phun tự động kết hợp phun thuốc... 9 mô hình sản xuất lúa ứng dụng cơ giới hóa với sự giúp sức của KH&CN đã đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh tăng nhanh qua các năm.

Tuy nhiên, chưa nhiều HTX đầu tư ứng dụng KH&CN vào sản xuất - kinh doanh. Để KH&CN phát huy vai trò “đòn bẩy” trong sản xuất, theo các chuyên gia, cần huy động nguồn lực đầu tư của xã hội, trong đó ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ thực hiện chương trình, đề án, nhiệm vụ KH&CN về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp bền vững. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích DN đầu tư, thành lập trung tâm nghiên cứu chuyên sâu; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mang tri thức và tiến bộ KH&CN từ nhà khoa học đến với nông dân, giúp họ áp dụng vào thực tiễn.

ThS Lê Minh Tùng (nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh An Giang) đề xuất: “Hiện nay, HTX nông nghiệp cần được hỗ trợ xây dựng và nâng cao vai trò trong tham gia chuỗi giá trị ngành hàng nông thủy sản, trong cung ứng dịch vụ khoa học - kỹ thuật, logistics và các loại hình dịch vụ khác; hỗ trợ xã viên ứng dụng công nghệ số trong quá trình sản xuất”.

TS Mai Thị Ánh Tuyết (Trường Đại học Lạc Hồng, nguyên Giám đốc Sở KH&CN An Giang) cho rằng: “Tỉnh cần có giải pháp kịp thời để tháo gỡ cho DN về thể chế, cơ chế, chính sách thị trường, thúc đẩy DN đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và phát triển xanh. Địa phương tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KH&CN; phát triển DN tiên phong trong mua bán công nghệ. DN cần xây dựng mục tiêu, phương án, chính sách nâng cao năng suất; gắn kết đào tạo với việc làm; cơ sở đào tạo, trường dạy nghề cần liên kết với DN”.

“Tỉnh nên đầu tư, hướng hợp tác hóa để phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, quy mô sản xuất lớn, bao gồm khâu tồn trữ, chế biến, lưu thông, mở thêm ngành nghề khác trong nông thôn; tăng cường hỗ trợ tiếp cận và sử dụng Chính phủ điện tử vào nông nghiệp” - GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL nhận định.

CHÂU AN