An Giang sở hữu nguồn dư địa về du lịch khá dồi dào
Dư địa phong phú
So với các địa phương ở ĐBSCL, An Giang sở hữu nguồn dư địa dồi dào về hoạt động DL. Miền đất “tiền tam giang, hậu thất lĩnh” có phong cảnh hữu tình, nhiều huyền thoại tâm linh độc đáo. Cùng với đó là tiềm năng DL sinh thái, nghỉ dưỡng, thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm.
An Giang hiện có 97 cơ sở lưu trú DL, trong đó 68 cơ sở được xếp hạng; 3.121 buồng và hơn 5.000 giường; 20 công ty lữ hành (5 công ty lữ hành nội địa, 15 công ty lữ hành quốc tế); 20 địa điểm tham quan (1 khu du lịch quốc gia, 1 cấp tỉnh và 3 điểm DL). Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), từ năm 2020 đến nay, hơn 22 triệu lượt khách đến với An Giang, trong đó 2 triệu lượt khách lưu trú khách sạn đạt chuẩn, nhà nghỉ, nhà trọ. Doanh thu từ hoạt động DL ước đạt khoảng 14.000 tỷ đồng.
Năm 2023, khoảng 8,5 triệu lượt khách ghé thăm, tăng 13% so cùng kỳ. Trong đó, lưu trú khách sạn đạt chuẩn, nhà nghỉ, nhà trọ đạt khoảng 700.000 lượt khách; khách quốc tế ước đạt 22.000 lượt, tăng 120% so cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động DL khoảng 5.900 tỷ đồng, khẳng định sự phục hồi của ngành “công nghiệp không khói”.
Cùng với đó, công tác liên kết phát triển DL với vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh được đẩy mạnh. Năm 2022, An Giang đăng cai tổ chức thành công Hội nghị tổng kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL; tổng kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển DL Cụm phía Tây ĐBSCL; ký kết hợp tác phát triển DL giữa An Giang - Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025; Chương trình Caravan DL An Giang...
Triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển DL hàng năm, từ năm 2021 đến nay, Sở VH,TT&DL tổ chức 49 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ DL, tập huấn kỹ năng liên quan lĩnh vực DL cho 2.065 quản lý, nhân viên doanh nghiệp DL; hộ kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách…
Chưa khai thác hết tiềm năng
ThS Dương Đức Minh (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế DL TP. Hồ Chí Minh) nhận định: “An Giang là nơi hội tụ của nhiều giá trị đặc sắc về cảnh quan tự nhiên và văn hóa. Chúng tôi đánh giá cao mục tiêu khai thác DL theo hướng đa dạng hóa, tăng cường kết nối của An Giang. Tuy nhiên, tỉnh cần có nhiều sản phẩm DL để du khách sử dụng tài chính, chứ không chỉ tập trung vào việc cúng bái, tín ngưỡng tâm linh rồi ra về”.
Ông Dương Đức Minh đề xuất, An Giang cần kết nối nhiều sản phẩm DL thành từng chuỗi dựa trên sự hài hòa về tín ngưỡng tâm linh, sinh thái và văn hóa. Tiêu biểu, có thể phát triển mô hình DL văn hóa cộng đồng gắn với Khu DL quốc gia Núi Sam (TP. Châu Đốc), quần thể di tích văn hóa Óc Eo (huyện Thoại Sơn) và Khu DL núi Cấm (TX. Tịnh Biên).
Riêng vùng Bảy Núi, có thể phát triển nhiều sản phẩm DL mang tính trải nghiệm, nghỉ dưỡng và vãn cảnh. Tất cả sẽ tạo nên bức tranh DL sinh động, đa dạng. Để thực hiện được mục tiêu này, rất cần sự phối hợp, vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp DL trong, ngoài tỉnh để “giải nén” hết tiềm năng.
“Ngoài việc tận dụng tiềm năng phong phú, An Giang cần có sản phẩm DL mang tính đặc thù. Trong đó, việc khai thác cảnh quan sinh thái tự nhiên điển hình của hệ thống sông Mekong là thế mạnh cần được quan tâm. Hiện nay, Khu DL sinh thái Cồn Én (huyện Chợ Mới) đang đi theo hướng này. Phân tích kỹ, sẽ thấy đơn vị đầu tư chuẩn bị, sưu tầm, thiết kế cảnh quan khá công phu. Nhờ đó, địa điểm mang màu sắc, phong cách khá đặc biệt, hứa hẹn thu hút du khách trong thời gian tới” - ông Dương Đức Minh phân tích.
Về góc nhìn của doanh nghiệp DL lữ hành, bà Nguyễn Thị Anh Tú (Công ty Alden Travel) thông tin: “Du khách nước ngoài rất ấn tượng với tour tham quan tại ngã ba sông Châu Đốc, kênh Vĩnh Tế, làng Chăm… Đó là cơ hội để chúng tôi kết nối hoạt động DL cộng đồng, DL sinh thái, DL văn hóa tâm linh, các giá trị lịch sử… vào cùng một tour phục vụ du khách. Hiện nay, Alden Travel đang phát triển thêm một số sản phẩm mới gắn với dự án “Làng bè sắc màu tại ngã ba sông Châu Đốc”, nhằm tạo dấu ấn mới mẻ, đặc sắc trong lòng du khách, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới”.
Cần đa dạng sản phẩm
Nhiều doanh nghiệp DL cho rằng, để giữ chân du khách hiệu quả hơn, An Giang cần sớm phát triển kinh tế đêm. Chủ tịch Hiệp hội DL An Giang Phan Phạm Cảnh Toàn nhận định: “Sau dịch COVID-19, ngành DL dần phục hồi, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, chúng tôi mong muốn phát triển thêm nhiều dịch vụ DL, nhất là ở TP. Long Xuyên. Địa phương hiện có 2 điểm đến (Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Khu DL Phan Nam) thì chưa đủ sức bật. Hiệp hội thống nhất quyết tâm làm loại hình DL trên sông. Nếu phát triển được (đặc biệt ở TP. Long Xuyên), sẽ tăng khả năng giữ chân du khách, phát triển kinh tế đêm rất triển vọng. Chúng tôi kiến nghị sở, ngành, chính quyền sớm hỗ trợ, hướng dẫn về mặt thủ tục để hiện thực hóa ý tưởng này”.
Đại diện Nhà hàng Thắng Lợi cho rằng, so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, An Giang có rất nhiều tiềm năng, lượng khách đến rất lớn, nhưng lượng khách lưu trú khá khiêm tốn. Nếu được khai thác triệt để yếu tố cảnh quan, làng nghề truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc (đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Khmer), nhất là ẩm thực đặc trưng ở bản địa, mở rộng quy mô một số lễ hội ở địa phương, kéo dài thêm nhiều ngày… sẽ “giữ chân” du khách lâu hơn. Trong quá trình kết nối, phục vụ, các đơn vị lữ hành nhận thấy nhu cầu hiện nay của khách DL đã nâng cao hơn giai đoạn trước. Theo đó, cách lựa chọn sản phẩm, cung cấp trải nghiệm cho du khách cũng phải đổi mới liên tục.
Khách DL hiện nay không đơn giản là đi chơi, ngắm cảnh, mà mong muốn tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa, phong tục, tập quán, nét riêng nơi họ ghé qua. Trong quá trình thiết kế tour, một số đơn vị lữ hành còn quan tâm “câu chuyện” trong sản phẩm DL. Đi kèm theo đó, mỗi địa phương, điểm DL phải thay đổi cách quảng bá để tô đậm câu chuyện riêng của chính mình. Ngoài tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội, nội dung truyền tải trong thông điệp quảng bá DL phải có sự độc đáo, điểm nhấn để khách DL lựa chọn: Tại sao tôi đến nơi này mà không phải nơi khác?
Đồng quan điểm, anh Tuấn Giang (hướng dẫn viên DL) bày tỏ: “Tôi thấy nhiều cơ sở khi mở dịch vụ DL mới, thường có cách giới thiệu na ná nhau, như: “Đà Lạt thu nhỏ ở miền Tây”, “Sapa ở An Giang”, “không gian Mông Cổ giữa lòng thành phố”… Điều đó thật nhàm chán. Nếu một nơi nào đó giống Đà Lạt thì tôi thà tư vấn khách đến thẳng Đà Lạt tận hưởng, chứ không phải đến An Giang chỉ vì cảm giác… tương tự. Phương tiện truyền thông hiện nay có sức lan tỏa mạnh mẽ, du khách có thể đối chiếu, so sánh, tìm hiểu rất nhiều nguồn trước khi lựa chọn điểm đến. Do đó, ngay trong cách quảng bá, từng cơ sở, địa phương cần đầu tư để tăng sức hút”.
Ở góc độ du khách, chị Kim Phượng (TP. Cần Thơ) cho rằng, DL cần có nhiều sản phẩm đa dạng và giá thành cạnh tranh. Sau giai đoạn dịch COVID-19, tiếp nối là khó khăn về kinh tế. Không chỉ người “có tiền” mới đi DL, nhiều bạn trẻ, dân văn phòng hào hứng với loại hình DL tự túc. Họ tìm đến homestay, farm, quán sinh thái theo nhu cầu khác nhau.
Chị Phượng đang tìm kiếm mô hình phù hợp để tập tành làm DL ở quê nhà, nhận thấy giá thành chung của dịch vụ DL ở An Giang khá cao. Đơn cử trong ẩm thực, món gà đốt ở vùng Bảy Núi khá hấp dẫn, riêng huyện Tri Tôn có hàng chục điểm bán, giá thành chênh lệch và chất lượng cũng không đồng nhất. Theo chị Phượng, nên phân khúc khách hàng, lựa chọn dịch vụ phù hợp và giá cả đa dạng, để có nhiều đối tượng khách trải nghiệm, khai thác tối đa cho địa phương.
Hạ tầng giao thông cũng là mặt hạn chế, cần đầu tư đồng bộ để hỗ trợ các loại hình DL nhỏ lẻ (nhất là huyện miền núi, nông thôn) có cơ hội phát triển. Khai trương loại hình homestay ở huyện Tri Tôn chưa tròn 1 năm, anh Trương Triệu Phú (chủ Xà Tón Garden - Glamp) cho biết, nơi đây phục vụ đủ dịch vụ ăn uống, ngủ qua đêm trong lều trại tiện nghi, chèo thuyền Kayak trên hồ Soài Chek…
Tương tự các homestay đã hoạt động trước đó, anh Phú tập trung phục vụ món đặc sản yêu thích của bản địa. Tuy nhiên, đa số khách đến homestay chỉ dừng lại ở nhu cầu trải nghiệm, đổi không khí, thụ động khi liên kết khám phá khu vực ngoài homestay. Những vị khách có nhu cầu ở nhiều ngày, khám phá theo “hành trình” tour đơn giản quanh thị trấn, cần được giới thiệu, kết nối, chỉ dẫn… của địa phương hoặc chính người đang đứng ra làm DL.
Cần phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mới
Tăng kết nối vùng
Dù rất nỗ lực, việc khai thác tiềm năng DL đa dạng của An Giang vẫn có hạn chế nhất định. Trong đó, sản phẩm DL chưa mang tính đặc thù, đôi lúc đơn điệu. Doanh nghiệp DL lữ hành chưa có nhiều tour, tuyến mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Đào Sĩ Tuấn cho biết: “An Giang là “mắc xích” quan trọng trong cụm hợp tác, liên kết phát triển DL phía Tây ĐBSCL. Do đó, chúng tôi đã tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về DL, phát triển sản phẩm, quảng bá, xúc tiến DL cũng như đào tạo nguồn nhân lực. Với vai trò là Cụm trưởng Cụm hợp tác năm 2023, An Giang xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện các nội dung đã thỏa thuận trong Chương trình liên kết phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ở ĐBSCL”.
Theo ông Đào Sĩ Tuấn, An Giang tham gia liên kết hình thành tuyến DL đặc trưng từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố trong cụm và ngược lại. Ngoài ra, phối hợp tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực DL giữa TP. Hồ Chí Minh và cụm hợp tác. Đặc biệt, các địa phương trong cụm chia sẻ phương thức quảng bá, xây dựng sản phẩm DL trong thời đại công nghệ 4.0; tích cực xây dựng sản phẩm DL đặc thù, liên kết để hình thành nên tuyến DL đặc trưng liên tỉnh; tổ chức, đón tiếp đoàn khảo sát, đoàn famtrip từ các thị trường DL tiềm năng…
“Trong xu thế hiện nay, muốn phát triển DL bền vững, phải tăng cường liên kết. Trong đó, việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống giao thông là yếu tố then chốt, là động lực quan trọng nhất để “nối liền” các nơi tiềm năng DL, giúp doanh nghiệp thiết kế thêm nhiều sản phẩm mới. Chúng tôi mong rằng, việc tăng cường liên kết sẽ góp phần đa dạng hóa trải nghiệm của du khách khi đến với An Giang non nước hữu tình” - ông Đào Sĩ Tuấn kỳ vọng.
HỮU HUYNH - THANH TIẾN - MỸ HẠNH