An Giang phát triển hạ tầng giao thông, liên kết vùng

29/04/2024 - 07:17

 - Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh An Giang tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bao gồm cơ sở hạ tầng liên vùng và biên giới. Nhờ đó, cơ bản hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, có khả năng kết nối giao thông thủy - bộ và liên kết được với hệ thống giao thông tỉnh, thành phố lân cận.

Theo UBND tỉnh, hệ thống giao thông đường bộ An Giang có tổng chiều dài 5.631km, gồm: 4 tuyến Quốc lộ dài 153km (Quốc lộ 91, Quốc lộ N1, Quốc lộ 91C, Quốc lộ 80); 19 tuyến đường tỉnh, tổng chiều dài 530km; 702km đường đô thị. Hệ thống đường giao thông nông thôn hiện có 4.238km, đường chuyên vùng khoảng 8km. Toàn tỉnh còn có 1.959 cầu giao thông các loại (75,7km); 1.191 cống các loại (hơn 8km).

Bên cạnh đó, 319 tuyến sông, kênh phục vụ giao thông thủy, dài 2.703km. Cụ thể, 18 tuyến đường thủy nội địa quốc gia do Trung ương quản lý, dài 364,6km; 1 tuyến đường thủy nội địa chuyên dùng, dài 2,9km; 300 tuyến đường thủy nội địa địa phương, dài 2.335km.

Trên địa bàn tỉnh có 2 tuyến sông cấp đặc biệt quan trọng (sông Tiền và sông Hậu), tổng chiều dài 112km; cảng biển Mỹ Thới và 6 cảng thủy nội địa. Cảng thủy nội địa hành khách Châu Đốc và cảng Bình Long được quy hoạch tổng thể thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thành cảng biển.

Hiện, tỉnh đang triển khai đồng loạt các dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia; là điểm nhấn mang tính đột phá đối với ngành giao thông. Các công trình hoàn thành sẽ thúc đẩy công nghiệp, thương mại dịch vụ khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới. Đồng thời, thu hút nhiều hơn nữa lượng du khách cả nước và thế giới đến với vùng Thất Sơn, miền Tây Nam Bộ.

Điển hình như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa phận tỉnh An Giang. Đến nay, cả 4 gói thầu đều thi công vượt tiến độ hợp đồng. Gói thầu số 42 (từ TP. Châu Đốc đến huyện Châu Phú, dài gần 17km), giá trị hợp đồng gần 2.497 tỷ đồng, tiến độ đạt 8,8% kế hoạch. Gói thầu số 43 (từ huyện Châu Phú - huyện Châu Thành, dài 14km), giá trị hợp đồng gần 2.487 tỷ đồng, tiến độ đạt 9,4%.

Gói thầu số 44 (từ huyện Châu Thành - huyện Thoại Sơn, dài 12,2km), giá trị hợp đồng hơn 2.058 tỷ đồng, tiến độ đạt 19,2%. Gói thầu số 45 (từ huyện Thoại Sơn - huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ, dài 13,8km), giá trị hợp đồng trên 2.035 tỷ đồng, tiến độ đạt 5,9%.

“Đây là nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu; là kết quả từ công tác chỉ đạo khẩn trương, quyết tâm chính trị cao, sự kiểm tra, đôn đốc kịp thời của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc” - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đánh giá.

Sự kiện cầu Châu Đốc (tổng mức đầu tư trên 534 tỷ đồng, thuộc Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp) thông xe ngày 23/4, đưa vào sử dụng là một trong những điểm nhấn quan trọng. Đây là cây cầu thứ 3 bắc qua sông Hậu (sau cầu Cần Thơ và cầu Vàm Cống), là một trong những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc liên kết vùng, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp.

Sau khi hoàn thành, cầu góp phần thông tuyến Quốc lộ N1 kết nối các tỉnh Tây Nam bộ nằm trên trục hành lang biên giới, kết nối tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Công trình tác động rất tích cực đối với mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội dự báo có nhiều cơ hội mới, nhờ các hoạt động liên kết, phát triển trong vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh được thúc đẩy trên mọi mặt, mọi lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, du lịch, dịch vụ, thu hút đầu tư... Cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện. Các tuyến đường liên kết liên vùng, liên huyện tạo điều kiện mạnh mẽ cho phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương giữa An Giang với các tỉnh trong và ngoài vùng.

Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch, khu vui chơi, giải trí của tỉnh tiếp tục được đầu tư, mở rộng, nâng cấp, hoàn thiện, góp phần tăng trưởng ngành du lịch và dịch vụ. Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch vùng ĐBSCL, dự báo mở ra nhiều cơ hội hợp tác, tầm nhìn mới cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Sự quyết tâm của các cấp chính quyền trong quản lý, điều hành; sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tin rằng sẽ quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2024, bên cạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh toàn diện trên các lĩnh vực, Đảng bộ, chính quyền tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ, thúc đẩy liên kết vùng.

An Giang là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, nằm ở trục phía Tây - nơi có tuyến đường N1 đi qua, nối các tỉnh giáp đường biên giới và từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc. Nhiều công trình giao thông trọng điểm được đầu tư, thúc đẩy thông thương với Vương quốc Campuchia, phát triển kinh tế, du lịch cho các huyện, thị xã, thành phố vùng biên; rút ngắn thời gian đi từ miền Tây đến TP. Hồ Chí Minh.

 

HẠNH CHÂU