An Giang phát triển hạ tầng thương mại điện tử

12/01/2024 - 06:24

 - Phát triển thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, kinh tế số. Chính vì vậy, tỉnh An Giang chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từng bước hoàn thiện nền tảng hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử.

Đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh quan tâm lãnh, chỉ đạo thời gian qua. Tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp khuyến khích phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, hệ thống ngân hàng trực tuyến, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt… Nhờ đó, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển nhanh, chất lượng ngày càng tốt.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) An Giang, đến nay, hạ tầng truyền dẫn trên địa bàn tỉnh đã được cáp quang hóa 100% tại trung tâm xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh; Internet di động băng rộng phủ sóng 100% khóm, ấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân. Bên cạnh đó, 100% khu công nghiệp, doanh nghiệp (DN), trường học, bệnh viện đều có kết nối Internet phục vụ công tác quản lý, điều hành; 100% cơ quan Nhà nước có mạng cục bộ, được kết nối mạng Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Tập huấn về thương mại điện tử

Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Hải cho biết, toàn tỉnh hiện có 2.160 trạm thu phát sóng thông tin di động; gần 2,5 triệu thuê bao di động và gần 440.000 thuê bao cố định. Tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng smartphone đạt 66,2%; hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định khoảng 78,9%; tỷ lệ phủ sóng 3G/4G đạt 100% xã. Ngoài ra, tỉnh đang khuyến khích DN đăng ký với tập đoàn, tổng công ty triển khai 5G.

An Giang có hệ thống bưu chính, chuyển phát đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện. Đến nay, 28 DN hoạt động trong lĩnh vực bưu chính. Trong đó, 19 DN có chi nhánh hoạt động, 9 DN có trụ sở tại tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 273 điểm phục vụ bưu chính. Tỷ lệ DN sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%.

Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm: “Ngoài việc phát triển hạ tầng thương mại điện tử, công tác phát triển nguồn nhân lực cũng được quan tâm, triển khai bằng nhiều hình thức. Đến nay, toàn tỉnh thành lập 887 tổ công nghệ số cộng đồng tại 11 huyện, thị xã, thành phố, tổng cộng 6.517 thành viên.

Qua đó, góp phần tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng số, sử dụng ứng dụng số, thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần tăng tỷ lệ tham gia thương mại điện tử. Ngành chức năng tổ chức lớp đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, công dân số, đảm bảo cơ bản về an toàn thông tin, khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến...”.

UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển thương mại điện tử. Trong đó có việc khuyến khích, hỗ trợ DN vừa và nhỏ chuyển đổi số. Tổng kinh phí hỗ trợ trong năm 2023 là 1,8 tỷ đồng. Đồng thời, ban hành quy chế vận hành hệ thống dùng chung của tỉnh, quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong nội bộ cơ quan Nhà nước. Từ đó, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đánh giá rủi ro, phát hiện và cảnh báo sớm thay đổi hay tấn công vào hệ thống.

Về cơ bản, hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin của tỉnh đã đủ nền tảng vận hành những ứng dụng đòi hỏi tốc độ, dung lượng lưu trữ lớn, với sự ổn định cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Hải, việc phát triển hạ tầng thương mại điện tử vẫn còn khó khăn, hạn chế. Phần lớn DN nhỏ và vừa, nên việc đầu tư hạ tầng, nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn hạn chế. Mặt khác, người dân nông thôn chưa đủ điều kiện, nhận thức và kỹ năng số đáp ứng phát triển thương mại điện tử…

Thời gian tới, Sở TT&TT An Giang sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tập huấn, đào tạo cho hộ sản xuất nông nghiệp, người dân nông thôn về kỹ năng số; thúc đẩy tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử của DN bưu chính Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ người dân đưa sản phẩm, dịch vụ của mình lên sàn thương mại điện tử, mỗi người dân thành một doanh nhân trên môi trường số.

Bên cạnh đó, ngành TT&TT tiếp tục triển khai thúc đẩy phát triển, sử dụng nền tảng số quốc gia, đặc biệt là nền tảng số sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam. Ứng dụng mã QR trong truy xuất thông tin nguồn gốc trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử… Hỗ trợ kết nối nhanh chóng giữa người sản xuất, người bán với người mua. Đồng thời, phối hợp DN viễn thông hỗ trợ miễn, giảm phí thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt trong hoạt động thương mại điện tử; tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật viễn thông đáp ứng nhu cầu sử dụng, giao dịch thương mại điện tử…

ĐỨC TOÀN