An Giang phát triển hạ tầng viễn thông

01/05/2023 - 06:24

 - An Giang hiện có 2.160 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS); 17.189km cáp thông tin (1.479km cáp ngầm); tỷ lệ phủ băng rộng cố định, tỷ lệ phủ sóng 3G/4G đạt 100% khóm, ấp; các doanh nghiệp (DN) đang triển khai 5G. Chất lượng dịch vụ viễn thông đáp ứng tốt nhu cầu của địa phương.

Phát triển hạ tầng viễn thông

Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, các DN đã dần cung cấp đa dạng các dịch vụ phục vụ nhu cầu xã hội dựa trên hạ tầng viễn thông kết hợp công nghệ thông tin như: Truyền hình số IPTV, Internet trên truyền hình cáp, chữ ký số trên di động… Tuy nhiên, công tác nghiên cứu công nghệ, đầu tư phát triển hạ tầng theo xu hướng công nghệ mới (IoT, viễn thông vệ tinh, IDC, smart city…) chưa được chú trọng nhiều. Mức độ phổ cập, hiểu biết các dịch vụ, công nghệ mới của người dân chưa cao.

Cùng với sự phát triển mạng lưới hạ tầng viễn thông thụ động, các sự cố gián đoạn dịch vụ, hư hại hạ tầng mạng lưới được các DN chủ động xử lý, khắc phục kịp thời khi có phát sinh. Định kỳ hàng năm, các cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật về kiểm định BTS, việc đảm bảo an toàn các công trình tháp viễn thông, đặc biệt trong mùa mưa bão.

Thời gian qua, An Giang tập trung phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông, Internet phục vụ du lịch. Các DN bưu chính, viễn thông sản xuất - kinh doanh ổn định. Hạ tầng bưu chính, viễn thông, phát thanh truyền hình tiếp tục được đầu tư mở rộng. Chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và thu hút khách du lịch đến với An Giang. Internet phủ khắp, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân trong tỉnh và du khách. Tỷ lệ DN dùng Internet tại An Giang đạt 100%; đa số sử dụng đường truyền cáp quang tốc độ cao.

Thị trường phát triển

Toàn tỉnh hiện có 8 DN sở hữu hạ tầng và kinh doanh dịch vụ viễn thông là: Viettel An Giang; VNPT An Giang; FPT Telecom - chi nhánh An Giang; Gtel TP. Hồ Chí Minh; MobiFone An Giang; Truyền hình cáp SCTV An Giang; Truyền hình cáp VTV An Giang; Vietnamobile TP. Hồ Chí Minh. Các DN là chi nhánh của các tập đoàn, tổng công ty. Tổng doanh thu của các DN viễn thông năm 2022 đạt trên 2.544 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 68 tỷ đồng.

Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, các DN viễn thông tuân thủ quy định pháp luật về cạnh tranh, Luật Thương mại, các quy định pháp luật liên quan. Đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước chưa tiếp nhận xử lý các vấn đề liên quan cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN viễn thông tại tỉnh. Việc tiếp nhận và giải quyết thắc mắc, khiếu nại của khách hàng như: Gián đoạn dịch vụ, kết nối thiếu ổn định, tính cước… được các DN khẩn trương xử lý, khắc phục kịp thời, đảm bảo quyền lợi người sử dụng.

Tăng cường quản lý

Nhằm hỗ trợ phát triển hạ tầng, mạng lưới dịch vụ viễn thông, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, quy định cụ thể quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đến năm 2030; quản lý điểm truy nhập Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; quản lý và sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông... Tính từ khi Luật Viễn thông có hiệu lực (năm 2010) đến nay, tỉnh đã tổ chức 81 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 35 lượt DN, 119 hộ kinh doanh lĩnh vực viễn thông, xử phạt vi phạm hành chính gần 500 triệu đồng.

Theo ghi nhận, 786 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của các DN viễn thông di động toàn tỉnh chấp hành tốt các quy định về quản lý thông tin thuê bao. 416 điểm truy nhập Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng được các địa phương thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Phần lớn các cơ sở đều tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động điểm dịch vụ.

Vướng mắc hiện nay là việc chia sẻ, sử dụng hạ tầng viễn thông dùng chung còn nhiều khó khăn. Các DN lớn đều muốn làm chủ hạ tầng, không muốn phụ thuộc DN khác. Để tháo gỡ khó khăn, cần có quy định quản lý hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông được cung cấp qua vệ tinh để phù hợp xu hướng phát triển công nghệ viễn thông trong thời gian tới. Tỉnh kiến nghị Trung ương cần sớm có quy hoạch, chiến lược phát triển hạ tầng viễn thông cấp quốc gia.

Đề nghị nghiên cứu để nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông dùng chung đối với các tuyến chính, quan trọng và cho các DN có nhu cầu thuê lại. Tiếp tục duy trì và phát triển Quỹ dịch vụ viễn thông công ích và ưu tiên hỗ trợ các tỉnh còn khó khăn như An Giang, để phát triển hạ tầng viễn thông, hỗ trợ người nghèo, đảm bảo sự phát triển bền vững của địa phương.

HẠNH CHÂU