Gian hàng quảng bá sản phẩm OCOP
Tác động tích cực
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết: “Chương trình OCOP có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Rõ nhất đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch”.
Nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Sản phẩm OCOP góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Đồng thời, tạo việc làm; thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế.
Các sản phẩm đạt chứng nhận có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc sản phẩm… và hầu hết có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP đã tiếp cận được thị trường xuất khẩu...
UBND TX. Tịnh Biên cho biết, đến nay, Tịnh Biên có 15 sản phẩm OCOP (6 sản phẩm 4 sao, 9 sản phẩm 3 sao). Tiêu biểu, như: Đường thốt nốt bột, đường tán viên, nước màu thốt nốt... ngày càng có mặt nhiều hơn trên thị trường trong và ngoài nước; đặc biệt tham gia vào các hệ thống phân phối lớn, như: Bách Hóa Xanh, BigC, xuất khẩu các nước Đài Loan, Nga, Uzbekistan… góp phần khẳng định thương hiệu OCOP Tịnh Biên trên thị trường thế giới.
Huyện Chợ Mới có 6 sản phẩm OCOP (2 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm 3 sao). Ông Vũ Minh Tú, Giám đốc Công ty TNHH MTV TM&DV Thái Minh Nguyên cho biết: “Thành lập từ năm 2021 đến nay, hiện công ty có vùng trồng chuyên canh cây Kim Ngân Hoa tại xã Kiến An (huyện Chợ Mới) làm nguyên liệu. Sau gần 3 năm hoạt động, sản phẩm công ty đã có chỗ đứng trên thị trường tạo tiền đề công ty phát triển thời gian tới”.
Một số doanh nghiệp, siêu thị (Siêu thị Tứ Sơn, chuỗi Cửa hàng nông sản an toàn Phan Nam) đã đặt hàng, ưu tiên sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối và được tiêu thụ ổn định. Từ đó, cho thấy chương trình OCOP là chủ trương đúng đắn, cần thiết để tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất và phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai, lợi thế từng vùng, địa phương; trở thành giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, gắn liền xây dựng nông thôn mới.
Tạo lực đẩy vươn xa
Để sản phẩm vươn xa, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại và kết nối cung - cầu, giao thương cho các sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiềm năng, sản phẩm làng nghề gắn với giới thiệu du lịch. Điển hình như tham gia: Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh, thành phố năm 2022, Ngày hội mắm Châu Đốc An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022 tại TP. Châu Đốc, hoạt động kết nối giữa 4 tỉnh, thành phố ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, TP. Cần Thơ và Đồng Tháp). Đưa các sản phẩm tham gia xúc tiến tại các tỉnh: Bến Tre, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Lâm Đồng...
Các sở, ngành phối hợp Bưu điện tỉnh đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart. Hiện, có trên 60 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử… Tỉnh còn hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP tham gia và bán hàng qua các kênh bán hàng thương mại điện tử trên các ứng dụng mua sắm trực tuyến, như: Sendo của FPT; Voso của Viettel Post; Postmart của VnPost; Tiki-BigC/GO; Shopee và Lazada; đưa 150 sản phẩm OCOP và nông sản lên trang thương mại điện tử theo địa chỉ http://sanphamangiang.com (Sở Công Thương) và http://ketnoiocop.vn.
Tiếp tục nâng chất
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 5 năm triển khai chương trình, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần nhanh chóng khắc phục, như: Số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững; chưa quan tâm đến nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm mới theo hướng chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu, làng nghề và làng nghề truyền thống. Hàm lượng khoa học - công nghệ trong các sản phẩm còn hạn chế...
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, thời gian tới, An Giang tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh phát huy sản phẩm đặc trưng, truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu thị trường và người tiêu dùng.
Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm 170 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên (trong đó có 10 sản phẩm 5 sao); nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; ít nhất 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại...
HẠNH CHÂU