An Giang phát triển phong trào thể dục - thể thao trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

30/12/2020 - 04:09

 - Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, những năm gần đây, phong trào thể dục - thể thao (TDTT) trên địa bàn tỉnh An Giang nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong đó, phong trào TDTT vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi có những bước tiến đáng kể. Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho nhân dân; bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bản tỉnh.

Đua bò

Những năm qua, phong trào TDTT trên địa tỉnh An Giang luôn có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Bên cạnh sự quan tâm, đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng và các môn thể thao thành tích cao, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng, phát triển các môn thể thao dân tộc. Các trường phổ thông dân tộc nội trú và các đồn biên phòng đóng trên địa bàn đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT trong đồng bào dân tộc, nhất là đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Với sự quan tâm từ các cấp, ngành, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có sân chơi, bãi tập luyện và thi đấu TDTT. Hệ thống các giải thể thao truyền thống được hình thành và duy trì đều đặn hàng năm, đặc biệt chú trọng đến các môn thể thao dân tộc, như: đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo...

Hàng năm, vào dịp kỷ niệm hay ngày lễ lớn của dân tộc, các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tổ chức nhiều giải thể thao hay giao lưu thi đấu thể thao. Trong đó có các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian đều được quan tâm đưa vào chương trình thi đấu, thu hút người dân ở mọi lứa tuổi tham gia thi đấu và cổ vũ, tạo không khí vui tươi, đoàn kết, nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho nhân dân.

Hiện nay, các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống cũng rất linh hoạt, vận động nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng sân bãi phục vụ tập luyện, giao lưu thi đấu TDTT thường xuyên. Các giải đấu, hoạt động TDTT đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống, tạo điều kiện để người dân giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc.

Anh Liêu Sóc Khanh (ngụ xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên) cho biết: “Những năm qua, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư sân bãi, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân tham gia tập luyện thi đấu TDTT. Hàng ngày, tôi thường cùng anh em trong xóm tập trung chơi bóng chuyền để rèn luyện sức khỏe và cũng tham gia các giải đấu do địa phương tổ chức”.

Cùng với việc tổ chức giải thi đấu thể thao ở cơ sở, nhiều giải thể thao thành tích cao cấp tỉnh được tổ chức. Tiêu biểu nhất là các hoạt động thi đấu thể thao tại ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch đồng bào DTTS Chăm và Khmer được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống luân phiên tổ chức hàng năm. Qua đó, không chỉ góp phần duy trì, phát triển các môn thể thao dân tộc mà còn giúp ngành thể thao kịp thời tuyển chọn được các vận động viên có năng khiếu để đào tạo, bồi dưỡng để thi đấu tại các giải, hội thao trong khu vực và cả nước.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Tri Tôn Thái Quốc Bình cho biết, ngoài việc quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, huyện còn chú trọng duy trì và phát triển các môn thể thao dân tộc truyền thống. Huyện thường xuyên tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao và hội thao, với nhiều môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian, như: đẩy gậy, kéo co, đua bò, chạy việt dã, đội cà ôm lấy nước… phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị.

Bài, ảnh: L.H