Công tác truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong triển khai Cuộc vận động. An Giang thường xuyên cập nhật các thông tin, chính sách liên quan đến Cuộc vận động; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm hàng Việt Nam khi sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm, trang bị tài sản công. Cổng thông tin điện tử tỉnh xây dựng banner và chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam”, chuyên mục “OCOP”, “Nhãn hiệu chứng nhận An Giang” giới thiệu các sản phẩm truyền thống, chủ lực của tỉnh đến người tiêu dùng.
Tỉnh quan tâm phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên hàng Việt Nam, hàng đặc sản địa phương. Cùng với đó, tổ chức thành công các sự kiện: “Sản phẩm OCOP đồng hành cùng người tiêu dùng An Giang năm 2021” tại TP. Long Xuyên; “Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh, thành năm 2021” tại TP. Châu Đốc; tọa đàm “Một số giải pháp phát triển sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành tại An Giang” tại siêu thị Tứ Sơn; tổ chức cụm gian hàng các sản phẩm OCOP của 4 tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp tại siêu thị Tứ Sơn. Phối hợp Siêu thị Tứ Sơn tổ chức 33 chuyến bán hàng Việt lưu động tại chợ và trên 10 chuyến xe lưu động bán hàng thiết yếu tận nhà dân (tại TP. Châu Đốc, huyện An Phú, Tịnh Biên), đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, với kết quả khá tốt (trên 15.000 lượt khách, doanh thu gần 700 triệu đồng).
Ngoài ra, hỗ trợ đăng ký chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn cho một số nông sản. Tỉnh còn đầu tư phát triển mới, nâng cấp, cải tạo 11 chợ, phát triển 4 trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, 7 siêu thị, 8 cửa hàng nông sản an toàn, 70 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 14 cửa hàng Vinmart+, 1 cửa hàng Co.op Food và 203 chợ.
Các cơ sở, doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, Sở Công Thương tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP An Giang với chủ đề “Hương sắc miền Tây” của các tỉnh vùng ĐBSCL và các địa phương khác tại TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); triển lãm trực tuyến quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2021; hỗ trợ 9 DN An Giang đưa hàng hóa, sản phẩm vào Trung tâm giới thiệu ẩm thực, đặc sản, du lịch Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL tại TP. Phú Quốc...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tỉnh tập trung hỗ trợ DN xúc tiến và nâng cao năng lực cạnh tranh, khôi phục sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ, lấy lại đà tăng trưởng sau dịch. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang tham mưu các giải pháp về chính sách tín dụng hỗ trợ DN do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Cùng với đó, hỗ trợ DN ứng dụng các phần mềm tiện ích, nghiệp vụ thương mại điện tử, mô hình công nghệ 4.0. Đã hỗ trợ đưa 50 sản phẩm OCOP của 35 DN lên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso.vn, 12 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn và trên 15 sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử khác (Shopee, Tiki..); hỗ trợ 13 phần mềm quản lý bán hàng thông minh...
Đồng thời, phối hợp các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, đơn vị vận chuyển giao nhận (Viettel Post) đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi và triển khai dịch vụ “Đi chợ hộ” giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn lương thực, thực phẩm mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Trung bình có 36.429 đơn hàng online/tháng với doanh thu gần 19 tỷ đồng/tháng. Đến nay, toàn tỉnh có 650 shipper của 31 DN vận chuyển đang hoạt động và gần 2.000 shipper tự do.
Để thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tỉnh quan tâm công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Năm 2021 đã kiểm tra gần 1.100 vụ, xử lý 342 vụ vi phạm, bảo vệ người tiêu dùng…
An Giang tiếp tục thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động thông qua nhiều nội dung, giải pháp cụ thể. Tăng cường tuyên truyền, phát động hưởng ứng Cuộc vận động, hỗ trợ các DN, người tiêu dùng nhận thức đúng đắn về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của DN Việt Nam tại An Giang.
Phổ biến đến DN và người tiêu dùng tham gia hội chợ, phiên chợ, các chương trình “Hàng Việt về nông thôn”, “Tự hào hàng Việt Nam”. Thường xuyên thông tin diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thiết lập đường dây nóng để người dân phản ánh về chất lượng hàng hóa sản phẩm.
Bên cạnh đó, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, ưu tiên hàng Việt Nam, đặc sản địa phương. Kết nối cung cầu, hỗ trợ DN xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP và đưa các sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối trong và ngoài tỉnh. Tiếp tục triển khai các hoạt động phục hồi du lịch, bình ổn thị trường, mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại An Giang.
Việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam gần như trở thành một phần thói quen trong mua sắm hàng hóa tiêu dùng của từng cá nhân. Người tiêu dùng đã nhận thức được tầm quan trọng của các sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt
|
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU