An Giang quản lý thuế đối với hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng số

01/09/2021 - 05:57

 - Để công tác quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử được hiệu quả, UBND tỉnh An Giang đề nghị ngành thuế phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và UBND địa phương tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng số đối với doanh nghiệp (DN), cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh, phù hợp với quy định pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu và chống thất thu thuế.

Thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh An Giang (giai đoạn 2021-2025), thời gian qua, ngành thuế ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, kê khai nộp thuế đến tất cả người nộp thuế có hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng số.

Trong đó, tập trung rà soát, đôn đốc người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế theo quy định, phù hợp với phân cấp quản lý người nộp thuế tại địa phương; thanh, kiểm tra theo quy định đối với DN có kinh doanh thương mại điện tử…

Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền các cấp, sự chủ động phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong công tác quản lý thuế, nhằm ngăn ngừa và chống thất thu thuế một cách có hiệu quả hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng số đối với DN, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động mua bán trên nền tảng số

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế trong thực hiện các quy định của pháp luật nói chung và chính sách thuế nói riêng. Điều này kỳ vọng tạo sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; đảm bảo tính khách quan, công khai minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong việc tuân thủ pháp luật thuế; chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về thuế trong hoạt động thương mại điện tử, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước…

Người nộp thuế phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của người nộp thuế theo quy định của pháp luật. Đồng thời, có trách nhiệm phối hợp nghiêm túc khi các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử. Ngoài ra, cung cấp đầy đủ, chính xác các tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế ngay khi phát sinh hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng số cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cơ quan thuế chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về thuế trong thương mại điện tử. Tích cực tuyên truyền, phổ biến các chính sách thuế liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử; hướng dẫn người nộp thuế thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế và quyết toán thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị liên quan khi phát sinh hoạt động thương mại điện tử, để kịp thời theo dõi, đưa vào quản lý thuế.

Thông qua các chi nhánh ngân hàng thương mại, rà soát danh sách đơn vị, cá nhân trả tiền dịch vụ cho các đơn vị nước ngoài liên quan đến hoạt động thương mại điện tử với việc khai, nộp thuế nhà thầu; cá nhân nhận tiền từ nhà cung cấp nước ngoài, như: Apple store, CHPlay, YouTube, Google...

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ khai, nộp thuế, phí... của người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn, ngăn chặn hành vi mua bán hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ; xử lý nghiêm hành vi gian lận, trốn tránh nghĩa vụ thuế, phí trong hoạt động thương mại điện tử…

Công an tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an ninh mạng, phối hợp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Cục Thuế tỉnh đảm bảo an ninh trật tự, an ninh mạng trong quá trình cưỡng chế đối với các trường hợp chây ỳ, trốn thuế, nợ tiền thuế, phí của các nhà cung cấp; đấu tranh, xử lý các hành vi mua, bán hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa chứng từ trong hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng số đối với DN, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách các huyện, thị xã, thành phố thành lập đoàn kiểm tra chống thất thu liên ngành trong lĩnh vực thương mại điện tử, tiến hành rà soát, xác định đầy đủ các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực trung gian vận chuyển, trung gian thanh toán trên địa bàn, xác định trường hợp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhưng chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế và đưa vào quản lý thuế đúng theo luật định.

Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành xác định đầy đủ thông tin về nhân thân, nơi cư trú... của cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhưng cơ quan thuế còn thiếu thông tin, để cung cấp cho cơ quan thuế xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu người nộp thuế.

Bài, ảnh: LÊ HOÀNG