An Giang quy hoạch tạo đà phát triển

19/05/2024 - 18:31

 - UBND tỉnh An Giang triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng lộ trình, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, phân công trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, địa phương; cụ thể nguồn lực thực hiện.

Tập trung đầu tư kinh tế, hạ tầng

An Giang có vị trí địa kinh tế, địa chính trị chiến lược của vùng ĐBSCL và cả nước. Hiện nay, tỉnh và các đô thị động lực (TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, TX. Tịnh Biên) có thể phát huy điểm mạnh, lợi thế về vị trí trung tâm - nằm giữa 3 thành phố lớn, gồm TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và TP. Phnom Penh (Vương quốc Campuchia) để trở thành các trung tâm đầu mối, giao lưu, hợp tác quốc tế quan trọng bậc nhất của vùng ĐBSCL, vùng TP. Hồ Chí Minh với Campuchia và một số nước trong khu vực ASEAN. Các dự án hạ tầng kết nối tạo “đột phá” của vùng ĐBSCL đang và sẽ triển khai trong ngắn hạn, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, 4 nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung triển khai thực hiện quy hoạch. Trước tiên, cần hoàn thiện đồng bộ hệ thống quy hoạch; rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo quy định, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Xây dựng các nhiệm vụ, đề án, kế hoạch thay thế, để đảm bảo duy trì ổn định công tác quản lý Nhà nước và định hướng phát triển. Nhiệm vụ trọng tâm, các ngành, các cấp cần thực hiện hiệu quả chính sách phát triển, giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng ĐBSCL phù hợp tình hình, thực tiễn của tỉnh. Đề xuất giải pháp, nhiệm vụ phối hợp các tỉnh, thành phố, vùng lân cận; khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết vùng; đẩy mạnh phối hợp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và chính quyền trong đầu tư công trình, dự án quy mô cấp vùng, trung tâm đầu mối.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu rà soát, đề xuất chương trình, kế hoạch, đề án, dự án cơ chế chính sách phát triển tỉnh thực hiện trong kỳ quy hoạch; xây dựng danh mục dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2030. Trong đó, khẩn trương tổ chức, triển khai nội dung, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch… đang thực hiện, đã có chủ trương, được phê duyệt; ưu tiên triển khai nội dung đã được bố trí vốn đầu tư công trung hạn; danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2030, phân kỳ đầu tư phù hợp. Đối với dự án, công trình huy động nguồn lực ngoài ngân sách, căn cứ nhu cầu thực tế, các lĩnh vực thu hút đầu tư theo định hướng trong quy hoạch tỉnh và Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh để phối hợp thực hiện.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu sở, ban, ngành, UBND cấp huyện cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, số liệu liên quan đến các quy hoạch, nội dung, công trình, dự án liên quan để xây dựng kế hoạch. Đề xuất nhiệm vụ, phương án triển khai hiệu quả các khâu đột phá quan trọng. Trọng tâm là xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính; phát huy hiệu quả chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; đổi mới, tăng cường xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư.

Đề xuất phương án huy động, thu hút nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực đột phá phát triển (nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ kinh tế tuần hoàn; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao; dịch vụ, du lịch, logistics và chuyển đổi số). Đồng thời, xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh theo quy hoạch đã được phê duyệt, tạo động lực phát triển hành lang biên giới của tỉnh; thu hút nhiều nhà đầu tư tư nhân lớn vào dự án sản xuất - kinh doanh tỉnh ưu tiên.

An Giang có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh biên giới và đối ngoại của khu vực Tây Nam Bộ và cả nước. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh An Giang phấn đấu trở thành tỉnh năng động, hiện đại, văn minh, sinh thái và bền vững.

Phát triển nhanh, mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế theo hướng phát triển mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung; phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết khu vực đô thị hóa, công nghiệp hóa, tạo sự phát triển đột phá. Phát triển nhanh các loại hình doanh nghiệp, khu vực kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế hợp tác xã.

Đặc biệt, tỉnh tập trung phát triển 3 trụ cột: Nông thủy sản hàng hóa chất lượng cao; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và công nghiệp năng lượng; các dịch vụ giá trị gia tăng, thương mại nội địa, xuất nhập khẩu, logistics và du lịch văn hóa có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, du lịch sinh thái. Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với vùng sinh thái đặc trưng, gắn với thương mại, du lịch và công nghiệp chế biến. Phát triển công nghiệp theo hướng xanh, với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Phát triển thương mại theo hướng là đầu mối hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của một số tỉnh trong vùng sang thị trường Campuchia và ASEAN; phát triển dịch vụ giá trị gia tăng. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

HẠNH CHÂU