TP. Châu Đốc tiếp tục thực hiện công tác kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19
Cơ bản kiểm soát tình hình
Tỉnh An Giang xác định mỗi người dân là trung tâm, chủ thể phòng, chống dịch; xã, phường là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”. Toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần “Ai ở đâu ở đó” để kiểm soát ổ dịch, tập trung xét nghiệm, “bóc tách” nguồn lây ra khỏi cộng đồng; phân loại chăm sóc, điều trị kịp thời ca bệnh. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ việc đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho đối tượng yếu thế, không để người dân thiếu thốn...
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, mặc dù còn phát hiện ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, nhưng tình hình cơ bản được kiểm soát. Từ 0 giờ ngày 7-9, An Giang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh đến khi có thông báo mới.
Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo cấp huyện căn cứ tình hình, những diễn biến dịch bệnh thực tiễn tại địa phương quyết định và tự chịu trách nhiệm việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cụ thể với cấp độ cao hơn, phù hợp theo từng khu vực. Đối với xã, phường, thị trấn thuộc “vùng cam”, “vùng đỏ” tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, cần tiến hành khoanh vùng nhanh, có giải pháp quản lý chặt chẽ, quyết liệt, xử lý triệt để ổ dịch.
Toàn tỉnh triển khai các biện pháp áp dụng chung, như: tiếp tục “giới nghiêm” sau 18 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Cơ quan, đơn vị giảm số lượng người làm việc tại cơ quan không quá 30%, người ở nhà phải làm việc trực tuyến và không tự ý ra ngoài khi không thật sự cần thiết (không áp dụng quy định này đối với các đơn vị phải bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch theo quy định, như: công an, quân sự, biên phòng, y tế…). Tiếp tục hạn chế ra đường, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang; làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Tiếp tục siết chặt “vùng cam”
Được đánh giá là một trong các địa phương “nguy cơ cao” - “vùng cam” về dịch bệnh, huyện An Phú triển khai tổng rà soát toàn huyện. Kể từ 0 giờ ngày 7-9, huyện An Phú tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với xã Khánh An và thị trấn Long Bình. Các địa bàn còn lại thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện An Phú Trần Hòa Hợp cho biết, huyện tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và nhận được sự đồng thuận chung của người dân. Thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy phương châm “Mỗi người dân là một chiến sĩ”, “Mỗi xã, thị trấn là một pháo đài” kiên quyết chống dịch… quyết tâm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết, từ 0 giờ, ngày 7-9-2021, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và bổ sung một số biện pháp tăng cường ở 5 phường, xã, (gồm: phường Châu Phú A, Núi Sam, Vĩnh Mỹ, xã Vĩnh Châu và Vĩnh Tế); thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại phường Châu Phú B và Vĩnh Nguơn cho đến khi có thông báo mới. TP. Châu Đốc sẽ triển khai công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 toàn dân trên địa bàn từ 6 giờ đến 21 giờ ngày 11-9-2021 để phát hiện sàng lọc, “bóc tách” F0 trong cộng đồng.
Tương tự, TP. Long Xuyên là trung tâm của tỉnh, được xác định thuộc “vùng cam”, với hơn 270 ca mắc COVID-19 tính đến ngày 6-9. Toàn thành phố phong tỏa 12 khu vực (398 hộ với 1.293 nhân khẩu), ở phường Mỹ Phước, Bình Khánh, Mỹ Thạnh. Hiện nay, địa phương đang kiểm soát tốt tình hình, nhưng nguy cơ phát sinh ca mới vẫn rất cao, đặc biệt là nguồn lây từ người ngoài tỉnh về địa bàn (tại Chốt kiểm soát dịch Vàm Cống, phường Mỹ Thạnh). Vì vậy, địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và một số biện pháp tăng cường trên địa bàn thành phố từ 0 giờ ngày 7-9-2021 cho đến khi có thông báo mới, đề ra một số quy định đặc thù.
Huyện Châu Thành áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và một số biện pháp tăng cường. Hiện tại, địa phương cơ bản kiểm soát tốt các ổ dịch ở xã Bình Thạnh, Tân Phú, Vĩnh Hanh, thị trấn Vĩnh Bình. Riêng ổ dịch ở xã Vĩnh An diễn biến khá phức tạp, khi vẫn còn phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng (nhưng vẫn nằm trong khu vực phong tỏa).
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Tấn Phong cho biết, huyện đã hoàn thành việc tầm soát, lấy mẫu diện rộng trên toàn địa bàn, với gần 42.200 hộ, khoảng 164.000 nhân khẩu, tinh thần “Rà soát đến đâu, bảo vệ đến đó”. “Kết quả lấy mẫu test trong cộng đồng toàn huyện có ý nghĩa rất quan trọng, giúp địa phương chủ động triển khai các phương án tiếp theo, nhằm sớm thu hẹp “vùng cam”, xanh hóa “vùng vàng” và bảo vệ “vùng xanh”” - ông Nguyễn Tấn Phong chia sẻ.
Huyện Tịnh Biên tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg trên phạm vi toàn huyện đến hết ngày 15-9. Riêng các tổ 1, 2, 3 ấp Tân Định (xã Tân Lập) tiếp tục thực hiện cách ly y tế (phong tỏa) đến hết ngày 15-9-2021. Tại huyện Tri Tôn, từ ngày 6-9, huyện tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đối với xã Tà Đảnh và Tân Tuyến theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg; còn lại thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang, địa phương cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Ổ dịch ở ấp Tân Bình (xã Tà Đảnh) và một số ổ dịch mới phát sinh đều được phong tỏa, kiểm soát tốt. Các trường hợp nhiễm mới phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa.
Kiểm soát chặt chẽ các khu cách ly tập trung. Ảnh: H.H
Nỗ lực “xanh hóa”
Huyện Châu Phú, Thoại Sơn, Chợ Mới và Phú Tân đều áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Trên bản đồ đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh COVID-19 của huyện Châu Phú, những vùng trước đây là “nguy cơ rất cao”, “nguy cơ cao” và “nguy cơ” dần được “xanh hóa”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Văn Bé Tám cho biết: “Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân phải quyết tâm bảo vệ “sạch” địa bàn, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Chuẩn bị điều kiện giúp huyện trở về trạng thái bình thường mới, trước mắt giao Chủ tịch UBND các xã, thị trấn “vùng xanh” căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn quyết định, thực hiện thí điểm từng bước khôi phục hoạt động mua, bán tại chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, ăn, uống đảm bảo các điều kiện giãn cách”.
Huyện Phú Tân hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng 100% hộ dân tại các xã, thị trấn (lấy mẫu đại diện). Kết quả hơn 13.800 mẫu gộp 3 chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh. Toàn huyện đã tiêm mũi 1 và 2 hơn 13.400 liều vaccine phòng COVID-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang được kiểm soát tốt, kể cả ổ dịch phát sinh tại xã Hòa Lạc. Dù vậy, huyện vẫn nhắc nhở tuyên truyền, khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là, đặc biệt tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát để giữ ổn định tình hình.
Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Chợ Mới Nguyễn Hồng Đức cho biết: “Chợ Mới tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt hơn để giữ vững địa bàn “vùng xanh”, giữ “chặt trong, chắc ngoài”. Trong nội địa, vẫn tuần tra, vận động người dân không đổ xô ra đường và luôn thực hiện “5K”; việc đi lại giữa các xã không cần khai báo. Duy trì và giữ vững 7 chốt chặn đường bộ, 12 chốt đường sông canh giữ 24/24 giờ; sàng lọc thường xuyên 2 lần/tuần đối với nhóm có nguy cơ hay đi ra vào huyện (tài xế, nông dân làm ruộng ngoài huyện, công nhân nhà máy, tiểu thương chợ truyền thống...), có thể mở rộng test nhanh cho học sinh, giáo viên”.
Là địa phương duy nhất trong tỉnh được đánh giá “vùng xanh”, “bình thường mới”, Thoại Sơn qua 30 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, có 4 địa phương nằm ở mức nguy cơ (xã Phú Thuận, Vĩnh Khánh, Vĩnh Phú và thị trấn Óc Eo). Ngoài áp dụng các biện pháp giữ vững “thành trì”, huyện khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tỉnh An Giang đã hỗ trợ cho 248.766 lượt hộ dân với kinh phí hơn 24,4 tỷ đồng từ các mô hình “0 đồng”; hơn 144.323 lượt hộ nghèo,cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nơi phong tỏa… trị giá hơn 83,3 tỷ đồng; tiếp nhận, phân bổ hơn 3.362 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia. |
Cần sự kiểm soát đồng bộ
Sau ngày 6-9, huyện Tịnh Biên tiếp tục duy trì chốt chặn tại cửa ngõ nhằm kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào địa bàn. Tài xế, tài công, phụ xế, nhân công… và phương tiện đường bộ, đường thủy từ địa phương khác đến giao, nhận hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, chợ đầu mối, các cơ sở, kho, bãi tập kết… chỉ được phép đi thẳng đến nơi giao, nhận hàng hóa và quay về, không được phép dừng đỗ trong quá trình lưu thông trên địa bàn huyện. Tiếp tục cấp giấy xác nhận cho đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp ra ngoài địa bàn huyện để sản xuất nông nghiệp và giấy xác nhận cho phương tiện vận tải có nhu cầu ra ngoài huyện. Những trường hợp này sẽ thực hiện đúng theo yêu cầu của địa phương, đi đến và khi trở về phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn giá trị. Tại Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, duy trì chốt kiểm soát phòng, chống dịch đầu vào; kiểm soát phương tiện đường thủy vận chuyển lúa; quản lý chặt việc trao đổi hàng hóa tại cột mốc.
Tính đến ngày 7-9, TX. Tân Châu qua 35 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Hiện, TX. Tân Châu vẫn thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg đến hết ngày 15-9, nằm ở “vùng vàng” (vùng nguy cơ). Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ cho biết, thị xã đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn thực hiện, trong đó kiên định các nguyên tắc phòng, chống dịch; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, phòng dịch vẫn là chính. Tiếp tục duy trì chốt chặn trên tuyến biên giới và tại các cửa ngõ vào thị xã tuyến đường bộ, đường thủy.
Điều khiến mọi người cảm thấy “nhẹ thở” là các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn địa bàn TP. Long Xuyên sẽ được dỡ bỏ (trừ chốt kiểm soát tại chợ và Chốt kiểm soát dịch Vàm Cống). “Không còn chốt chặn, địa phương sẽ tổ chức tổ tuần tra lưu động, đột xuất để quản lý địa bàn. Người dân chỉ ra đường khi cần thiết; hạn chế tối đa di chuyển đến các địa phương khác. Người từ vùng dịch về (kể cả vùng thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg phải cách ly tập trung 14 ngày theo quy định. Riêng người có xác nhận tiêm ngừa đủ 2 mũi hơn 14 ngày được cách ly tại nhà. Do đó, để khống chế tốt dịch bệnh, “chốt kiểm soát” hiệu quả nhất chính là ý thức chấp hành của từng người dân” - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây nhấn mạnh.
Mỗi địa phương có quy định khác nhau khiến nhiều người lo ngại. “Cần có quy định chung, thống nhất trong đi lại, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh nhằm tránh mỗi địa phương, mỗi chốt kiểm soát hiểu và áp dụng khác nhau” - ông N.T.S, chủ một doanh nghiệp (DN) ở phường Bình Đức (TP. Long Xuyên) đề xuất. Anh N.V.P (chủ một DN chuyên về vận chuyển hàng hóa) đề nghị cần có thay đổi trong cách quản lý, giải pháp thực hiện nhằm tạo thuận lợi cung ứng hàng hóa cho người dân, DN, chuẩn bị tâm thế “sống chung lâu dài” với dịch bệnh.
“Mình không thể ngăn chặn tuyệt đối dịch bệnh thì phải thích ứng, phải thay đổi để có cuộc sống bình thường mới. Ưu tiên lớn nhất vẫn là tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 cho đội ngũ lái xe, người theo xe xếp dỡ hàng hóa, đội ngũ giao hàng (shipper). Đối với xét nghiệm COVID-19, nên đổi sang hình thức xét nghiệm PCR mẫu gộp có giá trị 72 giờ, làm giảm tập trung đông người, giảm chi phí thực hiện. Về lâu dài, các cơ sở y tế nên cử nhân viên lấy mẫu xét nghiệm mẫu gộp định kỳ 3 ngày/lần tại DN. Mẫu giấy đi đường cần có quy định thống nhất trong toàn tỉnh” - anh P. đề nghị.
Trên cùng địa bàn tỉnh, mỗi địa phương áp dụng mức độ giãn cách khác nhau, kèm theo quy định riêng. Tổ chức, cá nhân đang rất nóng lòng sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh “nước rút” trong 3 tháng cuối năm, khắc phục phần nào thiệt hại do dịch bệnh gây ra, nên việc “nới lỏng” theo tinh thần “sống chung với dịch” là cần thiết. Vấn đề nằm ở chỗ, các biện pháp ở địa phương phải được áp dụng hiệu quả, “nới lỏng” nhưng không “buông lỏng”, đặc biệt là có sự thống nhất, tạo điều kiện phù hợp cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị, UBMTTQVN và các tổ chức đoàn thể tăng cường phối hợp, vận động nhân dân tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, có kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn… đảm bảo không thiếu lương thực, ổn định cuộc sống trong thời gian giãn cách xã hội. |
NHÓM PHÓNG VIÊN