An Giang tăng cường phòng, chống sạt lở

24/03/2021 - 03:38

 - Với tình hình sạt lở diễn biến phức tạp những năm gần đây, Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã yêu cầu các địa phương tích cực triển khai các biện pháp cần thiết, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trước loại hình thiên tai này.

Theo đó, tính đến ngày 31-12-2020, toàn tỉnh đã xảy ra 61 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch (tăng 13 điểm so năm 2019), với chiều dài hơn 3.330m, ảnh hưởng đến 119 căn nhà phải di dời khẩn cấp. Đáng lo ngại là tình hình sạt lở ngày càng gia tăng về quy mô và tần suất xuất hiện. Trong đó, hiện tượng sạt lở ở các kênh, mương nội đồng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Theo ước tính của ngành chức năng, tình trạng sạt lở đã gây ra tổng thiệt hại khoảng 7,3 tỷ đồng trong năm 2020.

Ở huyện đầu nguồn An Phú, tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch đang diễn ra rất nghiêm trọng. Năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn huyện xảy ra sạt lở 21 đoạn, với tổng chiều dài khoảng 449m, tổng diện tích mất đất do sạt lở khoảng 2.364m2. Sạt lở đã gây ảnh hưởng 15 căn nhà, buộc người dân phải di dời khẩn cấp. Trong đó, các địa phương xảy ra sạt lở là: Nhơn Hội, Khánh Bình, Quốc Thái, Vĩnh Lộc, thị trấn An Phú… với tổng thiệt hại khoảng 842 triệu đồng.

 Trước tình hình sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, Ban Chỉ đạo huyện An Phú đã yêu cầu các ngành và địa phương chủ động hơn trong công tác kiểm tra, phòng ngừa sạt lở, nhất là tại những khu vực trọng yếu, có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương vận động, hỗ trợ những hộ dân bị ảnh hưởng di dời nhà ra khỏi khu vực sạt lở và đề nghị tỉnh có chính sách di dân cho các trường hợp này. Cụ thể, đã chủ động đưa 5 hộ dân ở khu vực sạt lở kênh Bắc cỏ lau (xã Phú Hữu) về khu dân cư Phú Hòa và sẽ tiếp tục đưa 5 hộ dân khác tại các xã: Khánh Bình, Quốc Thái và Phú Hữu về định cư tại khu vực an toàn.

Với những đoạn sạt lở nghiêm trọng phải khắc phục khẩn cấp, Ban Chỉ đạo huyện An Phú đã nhanh chóng làm rào chắn và cắm biển báo nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, kiến nghị các cấp có thẩm quyền hỗ trợ khắc phục sạt lở, nhất là khu vực bờ sông, bờ kênh cấp 1 và kênh cấp 2 liên huyện.

Ngoài ra, huyện An Phú đề nghị Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sớm có kế hoạch thẩm tra các hộ di dân vùng sạt lở để có chính sách hỗ trợ theo quy định. Đặc biệt, kiến nghị tỉnh sớm thi công khắc phục đoạn sạt lở bờ sông khu vực Đồn Biên phòng Đồng Đức (xã Phú Hữu) và một số địa phương khác như: thị trấn Long Bình và xã Vĩnh Hậu.

 Không riêng huyện An Phú mà sạt lở còn diễn biến phức tạp tại các địa phương: Chợ Mới, Châu Phú, Phú Tân, TX. Tân Châu và TP. Long Xuyên. Do đó, Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu các cơ quan truyền thông, các ngành và địa phương tích cực thông báo rộng rãi về diễn biến sạt lở trên hệ thống thông tin địa phương. Tăng cường công tác vận động, khuyến cáo người dân di dời nhà ra khỏi khu vực cảnh báo sạt lở. Những địa phương xảy ra sạt lở cần chuẩn bị sẵn phương tiện di dời để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Tổ chức các chốt chặn nơi xảy ra sạt lở, không để người dân quay lại khu vực này nhằm đảm bảo an toàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh, hiện tượng sạt lở tại các sông lớn như: sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao thì An Giang đã được Trung ương hỗ trợ khắc phục. Lộ trình từ nay đến năm 2025 sẽ cơ bản xử lý hiện tượng sạt lở tại các đoạn thuộc những sông lớn trong tỉnh, từ nguồn vốn Trung ương và vốn ODA.

Tuy nhiên, việc quan trọng hiện nay là lượng dân cư phát triển 2 bên bờ sông đã gần 20.000 hộ dân. Do đó, cần có biện pháp nhanh chóng di dời các hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Với những hộ nằm trong vùng có ít nguy cơ hơn sẽ có biện pháp bố trí vào các khu dân cư phòng, chống thiên tai tại các địa phương theo thời điểm thích hợp. Ngoài ra, cần có biện pháp chỉnh trị dòng chảy của các sông lớn để phòng ngừa sạt lở một cách hiệu quả, căn cơ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương quan tâm đến hiện tượng sạt lở các công trình thủy lợi. Hiện tượng sạt lở xảy ra sau khi nạo vét hệ thống thủy lợi đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc cho người dân. Do đó, UBND tỉnh giao thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Chi cục Thủy lợi tỉnh, Ban Chỉ đạo các địa phương tiến hành khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân xảy ra sạt lở hệ thống thủy lợi để có biện pháp xử lý. 

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu các địa phương cần thành lập đội xung kích với sự tham gia của các lực lượng và người dân nhằm ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra. Nếu phát huy hết vai trò, các đội xung kích này hoàn toàn có thể giúp hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.  

Những năm gần đây, sạt lở đang trở thành mối đe dọa thường trực đến đời sống người dân. Do đó, các ngành, địa phương cần tích cực triển khai những biện pháp phòng, chống sạt lở hiệu quả. Đặc biệt, với các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, cần chấp hành yêu cầu của chính quyền địa phương, khẩn trương di dời đến nơi an toàn để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình.

THANH TIẾN

 

Liên kết hữu ích