Các mặt hàng đều tăng
Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động xuất khẩu của tỉnh có nhiều điểm sáng khi nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản tăng mạnh; các hiệp định thương mại tự do được ký kết giữa Việt Nam với các nước, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu; giao thương thuận tiện khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát…
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 của An Giang đạt gần 564,2 triệu USD (tăng 10% so cùng kỳ năm 2021), đạt 100% kịch bản tăng trưởng và 49% kế hoạch năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực (gạo, cá, rau, may mặc) đạt 462 triệu USD, chiếm 82% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; riêng các mặt hàng nông, thủy sản đều tăng trưởng khoảng 9% so cùng kỳ năm 2021.
Đối với mặt hàng gạo, xuất khẩu tiếp tục được duy trì ổn định qua 39 nước, đạt 286.000 tấn, tương đương 154 triệu USD (tăng 8% về lượng và 9% về kim ngạch so cùng kỳ năm 2021). Giá gạo khởi sắc từ đầu tháng 6/2022 đến nay, nhờ nhu cầu nhập khẩu của các thị trường tăng trở lại, đặc biệt ở thị trường lớn là Châu Á và Châu Phi. Ước giá xuất khẩu gạo bình quân 6 tháng đầu năm 2022 đạt 539,33 USD/tấn, tăng 2,55 USD/tấn so cùng kỳ.
Đối với thủy sản, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 đạt 96.000 tấn, tương đương 204 triệu USD (tăng 8% sản lượng và 9% kim ngạch so cùng kỳ); duy trì ổn định xuất khẩu qua 73 nước. Giá xuất khẩu bình quân 6 tháng qua ước đạt 2.431 USD/tấn, tăng 12,22 USD/tấn. Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam thì An Giang có kim ngạch xuất khẩu cá tra chiếm 19% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước; Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Việt xếp hạng 5/10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam trong những tháng đầu năm.
Đối với mặt hàng rau màu, cây ăn trái, sản lượng xuất khẩu đạt 32.000 tấn, tương đương 14 triệu USD, trong đó mặt hàng rau, củ, quả đông lạnh xuất khẩu gần 5.000 tấn, kim ngạch 8,7 triệu USD (tăng 8% sản lượng và 8,7% kim ngạch so cùng kỳ).
Đối với các mặt hàng may mặc (quần áo, túi xách, giày dép các loại), kim ngạch xuất khẩu đạt 89,75 triệu USD (tăng 4% so cùng kỳ năm 2021). Bên cạnh thị trường trọng điểm là Hoa Kỳ, ngành hàng may mặc An Giang đã phát triển 6 thị trường mới trong những tháng đầu năm 2022: Anh, Ý, Mexico, Nga, Pháp và Úc.
Tận dụng thương mại tự do
Theo ông Nguyễn Minh Hùng, cùng với nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh đều có xu hướng tăng, việc tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs) giúp nhiều mặt hàng xuất khẩu nông, thủy sản của An Giang xâm nhập vào các thị trường khó tính, tăng giá trị và có cơ hội phát triển lâu dài.
Đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), dù mới có hiệu lực chính thức từ ngày 1/1/2022, nhưng các mặt hàng chủ lực của An Giang đã có mặt tại 11/14 nước thành viên của Hiệp định RCEP, kim ngạch xuất khẩu đạt 152 triệu USD, tăng 12% so cùng kỳ năm 2021 và tăng 11% so với thời điểm trước khi có hiệu lực. Với thành viên chủ yếu là các nước Châu Á, thị trường RCEP hiện chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa An Giang sang Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 7,6 triệu USD, tăng 38% so cùng kỳ 2021. Còn với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), hàng hóa An Giang đã có mặt tại 15/27 nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU), kim ngạch xuất khẩu đạt 15 triệu USD (tăng 15,74% so cùng kỳ năm 2021 và 62% so thời điểm cuối năm 2020, thời điểm hiệp định có hiệu lực).
Đến nay, các mặt hàng may mặc có giá trị của tỉnh đã có mặt tại thị trường thời trang cao cấp Pháp và Ý. Đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hàng hóa An Giang đã có mặt tại 9/10 nước thành viên CPTPP, kim ngạch xuất khẩu đạt 68,5 triệu USD (tăng 16% so cùng kỳ năm 2021).
Ghi nhận 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh sang thị trường Trung Quốc đạt gần 64 triệu USD, dù tăng 10% so cùng kỳ năm 2021 nhưng thị trường này chỉ chiếm 11% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ông Hùng cho biết, các doanh nghiệp đã nỗ lực nâng dần tỷ lệ xuất khẩu ở các thị trường khác ngoài Trung Quốc, như: Malaysia (chiếm 5%, tăng 1% so cùng kỳ năm 2021); Philippines (chiếm 5%, tăng 1%); Singapore (chiếm 3%, tăng 1%); tăng tốc ở các thị trường thành viên Hiệp định RCEP, EVFTA, CPTPP, UKVFTA…
“Điều này cho thấy, công tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường mới của Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan bước đầu đã có kết quả, không còn quá tập trung vào một thị trường như trước đây” - ông Hùng nhấn mạnh.
Dự báo tình hình thị trường từ nay đến cuối năm 2022 tiếp tục có những tín hiệu lạc quan khi thị trường các nước thành viên các Hiệp định CPTPP, RCEP, EVFTA, UKVFTA được đánh giá chuyển biến tích cực, tiếp nối những tín hiệu lạc quan từ năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, nhiều nước triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu…
Sở Công Thương An Giang dự ước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 sẽ đạt kế hoạch theo kịch bản tăng trưởng đã xây dựng, khả năng đạt 1,155 tỷ USD (đạt 100% mục tiêu kế hoạch năm 2022)
|
NGÔ CHUẨN