An Giang tập trung phát triển trong kỷ nguyên số

04/02/2022 - 07:57

 - Cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước, An Giang quyết tâm không bỏ lỡ cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0) mang lại, đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển, hội nhập sâu vào nền kinh tế số, xã hội số.

Đại diện UBND tỉnh An Giang ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với VNPT trên lĩnh vực viễn thông- công nghệ thông tin, giai đoạn 2020-2025

Ngành ngân hàng đưa ra những ưu tiên hàng đầu trong quá trình chuyển đổi số

Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tập trung cung cấp các dịch vụ tiện ích, phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn

Thực tế 10 năm qua cho thấy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chứa đựng nhiều thay đổi lớn, toàn diện, trên các phương diện đời sống xã hội, như: Kinh tế, văn hóa và xã hội. Bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần này mang thế giới ảo và thực xích lại gần nhau, dựa trên nền tảng cơ bản của 3 cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật đã từng có trong lịch sử.

Để bắt kịp xu thế thời đại, ngay sau khi có Chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang. Chương trình này lấy người dân làm trung tâm, thể chế công nghệ làm động lực, việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng là yếu tố then chốt; phát triển nền tảng số được cho là giải pháp đột phá.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang Nguyễn Thanh Hải cho biết, mục tiêu của chương trình là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, giúp công tác phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) ngày càng tốt hơn, đảm bảo người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi - dựa trên nhiều phương tiện khác nhau, phù hợp với nhu cầu thực tế.

“Quan trọng và quyết định việc thành công trong chuyển đổi số là người đứng đầu cơ quan, DN có quyết tâm khai thác và sử dụng ngay các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để quản lý, thúc đẩy sự phát triển, ngành, lĩnh vực, DN thuộc đơn vị mình quản lý hay không? Để từ đó có chỉ đạo, tham mưu đưa ứng dụng CNTT một cách toàn diện, gắn liền với chuyển đổi mô hình quản lý tinh gọn, hiệu quả, cắt giảm chi phí, nhân lên hiệu quả trong công việc…” - ông Hải chia sẻ.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra trên 3 lĩnh vực chính. kỹ thuật số, vật lý và công nghệ sinh học. Nếu trên lĩnh vực kỹ thuật số, 3 yếu tố cốt lõi mang đến từ cuộc cách mạng này là trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn thì trên lĩnh vực vật lý, cuộc cách mạng mang đến cho con người những robot thế hệ mới, có tư duy riêng, công nghệ in 3D, xe tự lái, vật liệu mới, công nghệ nano. Trong lĩnh vực sinh học, nó tập trung nghiên cứu để tạo ra những thay đổi lớn trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo…

Người dân đang trải nghiệm rất nhiều ứng dụng từ cuộc cách mạng này, như: Ứng dụng mở tài khoản ngân hàng trực tuyến; thanh toán trực tuyến hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại. Các ứng dụng gọi Grap, Uber, các App gửi hàng hóa bằng con đường chuyển phát nhanh của Viettel, Bưu điện Việt Nam hay sống trong căn hộ thông minh, phẫu thuật bằng robot...

Để tận dụng thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi chúng ta phải chuyển đổi nhận thức, xây dựng thể chế, môi trường pháp lý; xây dựng hạ tầng, nền tảng kỹ thuật CNTT; nhanh chóng triển khai chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế, đồng thời chuẩn bị nhân lực CNTT. Tất cả những vấn đề nêu trên đã được chuẩn bị, triển khai một cách bài bản, hiệu quả. Cụ thể, về hạ tầng, nền tảng kỹ thuật thông tin, 100% cán bộ, công chức có tài khoản sử dụng thư điện tử của tỉnh. 100% cơ quan nhà nước có mạng cục bộ (LAN) và được kết nối Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, nhà nước.

Ngoài xã hội, Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, Internet di động, băng thông rộng phủ 100% khóm, ấp đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân trong tỉnh. 100% các khu công nghiệp, DN, trường học, bệnh viện có kết nối Internet phục vụ công tác quản lý, điều hành.

Việc phổ cập, sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) của người dân trong tỉnh có tỷ lệ cao, với 129 thuê bao/100 dân và có đến 70% người dân sử dụng smartphone. Từ số liệu này đã đưa An Giang trở thành tỉnh đứng thứ 7 trong xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số hiện đại hóa nền hành chính xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Đây là tiền đề quan trọng để tận dụng các thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

“Chuyển đổi số là yếu tố bắt buộc để DN “tồn tại” trên thị trường. Năm 2020-2021, nhờ DN chuẩn bị sẵn các nền tảng, ứng dụng CNTT vào sản xuất, nhờ đó sản xuất - kinh doanh diễn ra bình thường, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp. Các cuộc họp trực tuyến, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến đã được triển khai rất hiệu quả, góp phần giảm được chi phí, giá thành, thời gian, tăng hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh…” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới khẳng định.

“Em rất thích thú khi nghiên cứu, trải nghiệm các sản phẩm mang lại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nếu Uber kết nối người có nhu cầu đi xe với tài xế lái xe (thông qua App), em cũng có thể thuê chuyên gia viết App, kết nối người bán lúa, bán các mặt hàng nông sản với người có nhu cầu mua những mặt hàng này. Đây là điều trong tầm tay, nó xuất phát từ việc ứng dụng CNTT vào đời sống…”- em Trần Thị Dịu (Trường Đại học Cần Thơ) chia sẻ.

An Giang đã đề ra tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2025, việc phát triển chính quyền số sẽ đạt được các mục tiêu, như: 80% người dân, DN hài lòng với các dịch vụ số do chính quyền cung cấp. Nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, DN góp phần tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. 100% dịch vụ công, cung cấp trực tuyến mức độ 4 và 90% hồ sơ công việc tại cơ quan nhà nước cấp tỉnh, 80% cấp huyện, 65% cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Với những mục tiêu đặt ra, bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được những gì đã đề ra.

MINH HIỂN