An Giang tập trung phòng, chống dịch, đảm bảo phát triển kinh tế, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân

14/07/2021 - 17:05

 - Ngày 14-7, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ký Công văn 694/UBND-KGVX về tăng cường thực hiện cách ly xã hội trên phạm vi toàn tỉnh An Giang.

Từ 0 giờ, ngày 15-7-2021, An Giang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ở TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu và 6 huyện: Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân, Chợ Mới.

Đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết và phù hợp trong giai đoạn hiện nay để kiểm soát sự lây nhiễm hiệu quả, chủ động ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Bởi, tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh, một số địa phương lân cận có ca nhiễm COVID-19 liên tục gia tăng và ngay các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Anh, Nguyễn Trung Nam (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) nói: "Người dân An Giang rất đồng tình hưởng ứng và thống nhất với chỉ đạo của UBND tỉnh, bởi quyết tâm rất cao trong kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn; chăm lo, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn của người dân là trên hết, trước hết; dứt khoát không để xáo trộn cuộc sống của người dân...".

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đi thực tế kiểm tra các khu cách ly

Thực hiện Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu thực hiện nghiêm nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, khóm/ấp cách ly với khóm/ấp, xã/phường/thị trấn cách ly với xã/phường/thị trấn, huyện/thị xã/thành phố cách ly với huyện/thị xã/thành phố, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Toàn thể nhân dân trong huyện, thị xã, thành phố tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng.

Song, nhiều người dân thắc mắc cần làm rõ quy định: “Chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Làm sao để chứng minh được là cần thiết?”. Trả lời vấn đề này, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết, trong công văn nêu rõ: “Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang; làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Trường hợp ra khỏi nhà phải mang khẩu trang, rửa tay bằng xà bông hoặc dung dịch sát khuẩn; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng”. Như vậy, người dân vẫn ra đường đi làm việc tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở, đi mua lương thực, thực phẩm... bình thường. Cần thiết có thể mang theo thẻ công chức, hoặc có lý do chính đáng như trên. Quy định này chỉ áp dụng hạn chế những trường hợp ra đường không cần thiết, như: đi chơi, đi quán cafe, tụ tập bạn bè...

Tăng cường kiểm soát dịch các chốt phòng, chống dịch

Đối với các cơ sở sản xuất, công trường xây dựng, để đảm bảo “mục tiêu kép”, cụ thể hóa Chỉ thị 16, Công văn 694/UBND-KGVX của UBND tỉnh nêu cụ thể: “Các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu...; ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, như: công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…; bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động”.

Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất- kinh doanh có nhiều lao động phải thực hiện giảm quy mô sản xuất, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế; tổ chức tự đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; xây dựng phương án thực hiện theo nguyên tắc "3 tại chỗ": sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ.

Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó lưu ý các biện pháp: thực hiện nghiêm thông điệp “5K”, đặc biệt là mang khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, đo thân nhiệt, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế.

Test nhanh xét nghiệm COVID để đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả

Cùng với đó, người lao động bắt buộc khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch khi tiếp xúc, giao tiếp. Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động. Tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động từ nhà đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh vào đơn vị sản xuất, khu cụm công nghiệp. Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động. Giao chính quyền địa phương phối hợp các ngành chức năng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại các cơ sở nêu trên.

Người dân ở phường Mỹ Xuyên (TP. Long Xuyên) thắc mắc: “Nhà ở địa bàn TP. Long Xuyên, đi làm việc tại các huyện, như: Chợ Mới, Phú Tân... có di chuyển được không”. Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền cho biết: “Vẫn di chuyển đến nơi làm việc bình thường, nhưng phải thực hiện khai báo y tế tại các chốt khai báo y tế ở địa bàn giáp ranh”.

Người dân hỏi đối với các doanh nghiệp có công trình xây dựng đang thực hiện ở địa bàn khác trên địa bàn tỉnh có di chuyển từ huyện này sang huyện khác được không. Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải An Giang Nguyễn Phú Tân trả lời: Theo Chỉ thị 16 “Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên- vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa các hoạt động của các phương tiện cá nhân”. “Như vậy, chỉ dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Các hoạt động cung cấp lương thực, hoạt động sản xuất, công trình xây dựng... vẫn di chuyển sang địa bàn khác, hoạt động bình thường, với điều kiện đảm bảo quy định phòng, chống dịch”- ông Tân cho biết.

Đảm bảo hàng hóa bình ổn thị trường trong giai đoạn cách ly toàn xã hội

Để đảm bảo không xáo trộn thị trường, UBND tỉnh quy định các chợ truyền thống vẫn được tiếp tục hoạt động, nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm thông điệp "5K" của Bộ Y tế, có phân luồng ngõ ra, vào các chợ để tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch. Chỉ tạm dừng chợ truyền thống, cơ sở sản xuất- kinh doanh, cụm công nghiệp khi nào nơi đó không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch hoặc phát hiện trường hợp F0.

Để đảm bảo nguồn hàng hóa, UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống chủ động nguồn hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu, khan hàng, tăng giá, đảm bảo hàng hóa dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong tình hình hiện nay, đặc biệt là thực phẩm và nhu yếu phẩm, đồng thời phối hợp Sở Y tế hướng dẫn tuyên truyền cho mọi tiểu thương và người dân thông suốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Ngoài ra, để đảm bảo phòng, chống dịch, tỉnh kiên quyết: tạm dừng tất cả các loại hình vui chơi, giải trí, kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu, như: rạp chiếu phim, nhà hàng ăn uống, tiệc cưới, vũ trường, quán bar, chợ đêm, các điểm ăn uống, giải khát vỉa hè, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, dịch vụ internet, karaoke (kể cả karaoke di động), các tụ điểm hát với nhau, cơ sở massage, vật lý trị liệu, cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện, câu lạc bộ thể hình, Gym, Yoga, bida, câu lạc bộ khiêu vũ, hồ bơi, sân bóng đá, tennis; các khu điểm tham quan du lịch, khu di tích, bảo tàng, thư viện… Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phục vụ mang về, không phục vụ tại chỗ; đảm bảo khoảng cách 2m khi tiếp xúc và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Đối với 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn không áp dụng Chỉ thị 16, mà tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Tuy nhiên, UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý, kiểm soát chặt tại các địa bàn giáp ranh với Campuchia, Cần Thơ, Kiên Giang và các xã tiếp giáp với khu vực thực hiện Chỉ thị 16 /t rên địa bàn tỉnh. Căn cứ tình hình, diễn biến dịch bệnh cụ thể tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện thống nhất với cấp ủy quyết định việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với từng địa bàn, khu vực có ca nhiễm hoặc có nguy cơ khi thấy cần thiết.

UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức giãn cách tại nơi làm việc, bố trí làm việc tại nhà, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, tăng cường tổ chức các cuộc họp trực tuyến phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị; trừ các trường hợp cần thiết, như: trực chiến đấu, y tế, cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ, thiết yếu; không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về cán bộ, công chức, viên chức và người lao động gây lây nhiễm dịch bệnh trong đơn vị do không chấp hành quy định phòng chống dịch theo quy định.

UBND tỉnh yều cầu khẩn trương phối hợp ngành y tế và các đơn vị có liên quan tận dụng triệt để thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để ngăn chặn, truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch hiệu quả, dứt khoát; không để tiềm ẩn F0 trong cộng đồng gây bùng phát dịch trong tỉnh; các địa phương có ổ dịch đang được kiểm soát phải truy vết thần tốc, khoanh vùng và dập dịch triệt để. Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định về phòng chống dịch theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình kêu gọi cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu, chấp hành và thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và của tỉnh; quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, sớm phục hồi, phát triển hoạt động kinh tế-xã hội tỉnh An Giang trong thời gian tới.

Chiều 13-7, người dân trên địa bàn TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và một số địa phương đã đổ xô đi mua hàng hóa, lương thực, thực phẩm để tích trữ sau khi có thông tin Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ký Công văn số 694/UBND-KGVX về tăng cường thực hiện cách ly xã hội trên phạm vi toàn tỉnh An Giang. Giám đốc Sở Công thương An Giang Nguyễn Minh Hùng khẳng định: “hàng hóa, kể cả các mặt hàng thiết yếu đảm bảo cung ứng cho người dân trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Sở Công thương kêu gọi người dân cần bình tĩnh, không hoang mang, không nên tập trung mua hàng tích trữ gây khan hàng, sốt giá, làm khan hiếm hàng hóa cục bộ, gây ảnh hưởng việc phòng chống dịch, ảnh hưởng kinh tế chung của tỉnh và đời sống của nhân dân”.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích