Dẫn đầu ĐBSCL về tính năng động, tiên phong
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết: “Năm 2023, mặc dù đối diện nhiều khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội (KTXH) An Giang vẫn có nhiều khởi sắc và tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,36%. Sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng trưởng ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế; sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ; thương mại - dịch vụ và du lịch sôi động. Cho thấy cộng đồng DN của tỉnh luôn có tiềm lực rất lớn, rất năng động và sáng tạo, thích nghi tốt trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh ở tất cả các lĩnh vực”.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Thúy nhấn mạnh, chính quyền An Giang luôn xác định việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh là động lực quan trọng để thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tỉnh luôn quan tâm nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh, xem đây là thước đo quan trọng, khách quan trong đánh giá chất lượng điều hành KTXH.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động thu hút đầu tư và phát triển DN vẫn còn khó khăn. Các vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục pháp lý về đầu tư dự án chưa được tháo gỡ hoàn toàn, các rào cản về điều kiện kinh doanh vẫn còn, một số vướng mắc mới phát sinh đã và đang gây khó khăn cho DN, nhà đầu tư.
Kết quả đánh giá Chỉ số PCI năm 2023 cho thấy, mặc dù môi trường kinh doanh của tỉnh có chuyển biến tích cực, nhưng không rõ nét, chưa ổn định. Điều đó thể hiện qua 10 chỉ số thành phần của PCI thì có 6 chỉ số được cải thiện điểm, nhưng còn 4 chỉ số giảm điểm (gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí không chính thức, chính sách hỗ trợ DN).
Hội nghị công bố và phân tích kết quả Chỉ số PCI tỉnh An Giang năm 2023
Tại hội nghị công bố và phân tích kết quả Chỉ số PCI tỉnh An Giang năm 2023, Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL Nguyễn Phương Lam đã có những phân tích, khuyến nghị, gợi ý những giải pháp giúp tỉnh định hướng cách làm để cải thiện chỉ số PCI.
Ông Lam nhận định, trong bối cảnh khó khăn chung, An Giang vẫn dẫn đầu vùng ĐBSCL về tính năng động, tiên phong của chính quyền và trong từng chỉ số An Giang cũng có điểm mạnh. Đây là động lực cho tỉnh. Qua phân tích, chỉ ra hạn chế, ông Lam đã đưa ra một số khuyến nghị và nhấn mạnh muốn phát triển kinh tế, địa phương cần phát triển DN, mục tiêu sau cùng là phát triển DN và tăng trưởng kinh tế.
Nhìn rõ hạn chế
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, Môi trường kinh doanh của tỉnh năm qua tuy có chuyển biến tích cực, nhưng chưa rõ nét. Kết quả này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đáng để suy nghĩ, nhìn nhận lại cách làm, cách tham mưu, cách vận hành bộ máy chính quyền, cách giải quyết vấn đề của DN. Qua kết quả phân tích có thể thấy, hạn chế xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân chủ quan. Bởi, trong cùng một cơ chế, chính sách nhưng việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN có những địa phương giải quyết tốt, có địa phương giải quyết chưa tốt hoặc có giải quyết nhưng kéo dài gây mất thời gian cho DN.
Việc này một phần xuất phát từ tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. “Tôi đề nghị các cấp, ngành và địa phương tự soi, tự xét và khắc phục ngay, để góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI thời gian tới”- đồng chí Lê Văn Phước đề nghị.
UBND tỉnh biểu dương, ghi nhận đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp
Quyết tâm cải thiện Chỉ số PCI
Năm 2024, KTXH dự báo có nhiều cơ hội mới. Các chính sách từ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH đã được lan tỏa và tác động tích cực, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để DN đầu tư. Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra không gian mới, dư địa và cơ hội mới cho đầu tư phát triển. Bên cạnh những cơ hội, vẫn còn nhiều khó khăn.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH, đòi hỏi sự quyết tâm, vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ, thống nhất của các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo điều hành, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH. Trong đó, chú trọng công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ.
Đồng chí Lê Văn Phước đề nghị các cấp, ngành tiếp tục tham mưu, đề xuất để tháo gỡ kịp thời những rào cản, nhanh chóng giải quyết những khó khăn, vướng mắc; tăng cường đối thoại với DN theo ngành, lĩnh vực và địa phương phụ trách. Kịp thời giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc cho DN, tránh tình trạng giải quyết kéo dài, mất nhiều thời gian.
Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao trách nhiệm trong xử lý công việc. Tăng trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý, không để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân, DN.
HẠNH CHÂU