Phát huy lợi thế
An Giang là đầu mối giao thương quan trọng với Campuchia, các quốc gia tiểu vùng sông Mekong, nên Chính phủ chọn Khu kinh tế cửa khẩu An Giang là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu quan trọng ưu tiên đầu tư thời gian tới; biến nơi đây thành Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - logistics - đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp.
Từ Cửa khẩu quốc gia Khánh Bình đi Phnôm Pênh (Campuchia) chỉ mất khoảng 80km. Để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế đó, tỉnh đã được Chính phủ quan tâm đầu tư dự án tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với Cảng biển quốc tế Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), tuyến Quốc lộ N1 và cầu Châu Đốc (kết nối với tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang). TP. Long Xuyên cách sân bay Cần Thơ hơn 40km. Cảng Mỹ Thới thuộc hệ thống cảng biển quốc gia, có thể đón nhận tàu có trọng tải đến 10.000 tấn.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng tiếp và làm việc với các nhà đầu tư Câu lạc bộ Doanh nhân Khánh Hòa – Sài Gòn
Với điều kiện đó, An Giang là địa phương trung tâm của 3 thành phố lớn: TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Phnôm Pênh. Trong giai đoạn tới, sẽ tiếp tục đầu tư các đoạn nối tuyến cao tốc đến cửa khẩu Tịnh Biên và Khánh Bình, liên thông với Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, kết hợp với các tuyến nội tỉnh theo trục dọc và trục ngang, tạo thành mạng lưới giao thông liền mạch, thông suốt đến khu, cụm công nghiệp, khu điểm du lịch (DL), khu đô thị, thương mại, dịch vụ, cảng sông và vùng nguyên liệu. Từ đó, giúp An Giang mở rộng không gian, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và lợi thế trong thu hút đầu tư.
Bằng sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, chủ động, sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, Đảng bộ và Nhân dân An Giang đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong 20 năm (2000 - 2020), kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (6,4%/năm). GRDP bình quân đầu người từ 0,65 triệu đồng/năm (1990) tăng lên 3 triệu đồng/năm (1995), 4,5 triệu đồng/năm (2000), 15,8 triệu đồng/năm (2010), 46,6 triệu đồng/năm (2020).
Giai đoạn 2020 - 2025, kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 6,13% - 6,42%/năm; GRDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 74 - 75 triệu đồng/người/năm (2025). Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 1,52%. Năm 2024, GRDP tăng 7,16%, xếp thứ 5 ĐBSCL và xếp thứ 38 cả nước. Quy mô GRDP đạt 130.135 tỷ đồng, xếp thứ 5 ĐBSCL. GRDP bình quân đầu người đạt 66,24 triệu đồng, xếp thứ 12 vùng ĐBSCL. Quý 1/2025, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,12%.
Xác định giao thông là đột phá chiến lược phát triển kinh tế, tỉnh tập trung đầu tư nhiều công trình xây dựng hạ tầng. Nổi bật như: Cầu Châu Đốc (thông xe ngày 23/4/2024), thông tuyến Quốc lộ N1, kết nối theo trục ngang của các tỉnh Tây Nam Bộ nằm trên trục hành lang biên giới. Đường tránh TP. Long Xuyên có vốn đầu tư 2.107 tỷ đồng (thông xe ngày 16/6/2024), góp phần rất lớn giải tỏa ùn tắc giao thông Quốc lộ 91, phát triển, mở rộng không gian đô thị TP. Long Xuyên. Một số công trình trọng điểm khác, như: Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; mở rộng nâng cấp Đường tỉnh 949 (TX. Tịnh Biên, dài 18,7km); nâng cấp mở rộng khẩn cấp Đường tỉnh 948 (nối Tri Tôn - Tịnh Biên, dài 16,3km)…
Thu hút đầu tư
Tỉnh đã và đang tập trung phát triển khu đô thị mới hiện đại, khu DL sinh thái độc đáo, cùng với dự án hạ tầng trọng điểm. Đặc biệt, sự tham gia của doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản An Giang phát triển nhanh chóng, lành mạnh và bền vững.
Tỉnh còn rất nhiều tiềm năng phát triển DL trở thành ngành kinh tế quan trọng, làm cho ngành DL có đóng góp lớn hơn cho ngân sách, phát triển kinh tế, đặc biệt là DL tâm linh, DL lịch sử, DL sinh thái, DL sông nước, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, DL cộng đồng, khám phá và trải nghiệm. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều di sản, giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn. Năm 2024, có 9,1 triệu lượt khách đến tham quan, DL; quý I/2025, đón khoảng 4,1 triệu lượt khách. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - An Giang được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện tỉnh đang phối hợp lập hồ sơ, thủ tục trình UNESCO công nhận Di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa nhân loại.

T&T Group khởi công khách sạn đạt chuẩn 5 sao đầu tiên tại An Giang với tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng
Về kinh tế nông nghiệp, tỉnh định hướng phát triển quy mô lớn, giảm phát thải, ứng dụng công nghệ cao, giảm giá thành, nâng cao giá trị, định hướng trở thành trung tâm lúa gạo và thủy sản nước ngọt của vùng ĐBSCL. Ngoài lúa gạo, tỉnh khai thác hiệu quả lợi thế về nguồn nước ngọt, thổ nhưỡng, phát triển thêm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh (cá tra, rau màu và cây ăn trái), cùng nhóm ngành hàng tiềm năng (chăn nuôi và nấm ăn, dược liệu), để cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm.
Về sản xuất công nghiệp, với vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông đồng bộ và nguồn lao động dồi dào, An Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư. Tỉnh đang tập trung phát triển ngành công nghiệp chủ lực, như: Chế biến lương thực - thực phẩm, thủy sản, cơ khí, may mặc, vật liệu xây dựng… Kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu chức năng khu kinh tế được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.
Giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách Nhà nước bố trí trên 329 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Hiện, tỉnh có 5 khu công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích đất tự nhiên 857ha. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp Vàm Cống, quy mô 193ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 2.200 tỷ đồng.
Về xuất - nhập khẩu, tỉnh được quy hoạch thành 3 khu vực kinh tế cửa khẩu, tổng diện tích hơn 30.000ha, có tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay, đã được quy hoạch một số phân khu chức năng phát triển thương mại - dịch vụ - logistics và sản xuất công nghiệp, sẵn sàng chào đón nhà đầu tư đến tìm hiểu và khai thác.
Năm 2024, tỉnh có 1.056 DN đăng ký hoạt động mới, tăng 9,3% so cùng kỳ. Tổng số vốn đưa vào nền kinh tế năm 2024 là 8.113 tỷ đồng. Quý I/2025, có 291 DN đăng ký thành lập, tổng vốn 1.280 tỷ đồng; có 143 DN hoạt động trở lại; tiếp nhận 9 hồ sơ đầu tư; trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 1 dự án với tổng vốn đăng ký 59,1 tỷ đồng. Những số liệu trên cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh ở An Giang đang ngày càng cải thiện, DN quan tâm tìm đến.
Tỉnh đang hoàn thiện quy hoạch phát triển, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển mạnh khoa học, công nghệ, tiếp cận trình độ công nghệ tiên tiến. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xem đây là ưu tiên hàng đầu để thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa An Giang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh triển khai nhiều cơ chế chính sách, thực hiện nhiều ưu đãi thu hút đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ người dân, DN. Đặc biệt, thực hiện tốt phương châm “Đồng hành cùng DN”... tỉnh tiếp đón, làm việc với các nhà đầu tư lớn, như: Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam, Câu lạc bộ Doanh nhân Khánh Hòa - Sài Gòn, Công ty TNHH Bảo vệ Môi trường Wangneng (Trung Quốc)... Tăng cường tìm kiếm, hỗ trợ nhà đầu tư khảo sát vị trí, tìm hiểu thông tin về dự án đang mời gọi đầu tư, nhằm thu hút nguồn vốn, thúc đẩy hợp tác chiến lược và phát triển bền vững.
“An Giang cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến đăng ký và triển khai thực hiện dự án trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất - kinh doanh, đầu tư, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, mong muốn DN luôn phát triển mạnh mẽ, đạt những thành tích to lớn hơn nữa, luôn tiếp tục đồng hành cùng tỉnh phát triển kinh tế - xã hội” - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh.
Theo phương án tới đây, tỉnh Kiên Giang và An Giang sáp nhập thành tỉnh An Giang, diện tích hơn 9.800km² và gần 5 triệu dân. Với 102 xã, phường, trong đó 3 đặc khu, được xem là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nhất vùng ĐBSCL, nhiều tiềm lực thu hút đầu tư. An Giang kỳ vọng trở thành tỉnh phát triển khá của ĐBSCL và cả nước; là điểm đến DL hấp dẫn bậc nhất, một trung tâm DL sinh thái hàng đầu; điểm đến đầu tư hấp dẫn của DN; trở thành đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN… |
HẠNH CHÂU