An Giang thực hiện hiệu quả công tác cho vay người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động

28/02/2022 - 15:54

 - Trong những năm qua, Ban Đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH tỉnh An Giang, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành cùng NHCSXH chi nhánh tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, phát huy hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương…

Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại điểm cầu An Giang

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, ngay khi có Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng, Chi nhánh NHCSXH tỉnh An Giang đã tích cực phối hợp với ngành tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện cho vay Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 126/NQ-CP, ngày 8-10-2021 của Chính phủ, Quyết định   33/2021/QĐ-TTg, ngày 6-11-2021 và Quyết định 1990/QĐ-TTg, ngày 26-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, đơn vị đã chủ động phối hợp các địa phương, cơ quan thông tấn, báo đài, công khai tại điểm giao dịch xã... để tổ chức tuyên truyền chủ trương chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất tại NHCSXH dưới nhiều hình thức như tin tức, phóng sự, bài viết... Đồng thời, phát hành Văn bản 469/ĐN-NHCSXH, ngày 9-7-2021 đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang hỗ trợ danh sách người sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động để làm cơ sở tiếp cận, thông tin chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động. 

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động báo cáo UBND, Trưởng Ban Đại diện HĐQT cùng cấp để triển khai thực hiện và tháo gỡ các khó khăn khi thực hiện chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; phối hợp các cơ quan liên quan làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và giám sát quá trình triển khai thực hiện.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng đã thành lập Tổ hỗ trợ do Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh làm tổ trưởng, các thành viên là Trưởng phòng chuyên môn nghiệp vụ tại hội sở tỉnh để hỗ trợ Phòng Giao dịch NHCSXH cấp huyện trong việc hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện cho vay trả lương cho người lao động; tổ chức triển khai tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ đến 100% cán bộ; phân công cán bộ tiếp cận và hướng dẫn trực tiếp khách hàng, tiếp nhận đề nghị nhu cầu vay vốn của khách hàng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; cung cấp số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, phối hợp tư vấn, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời.

Ngoài ra, tiến hành rà soát danh sách doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, do Sở Kế hoạch và Đầu Tư, Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh cung cấp, cử cán bộ có năng lực chuyên môn liên hệ, thông tin trực tiếp với người sử dụng lao động về chủ trương chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc theo các Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng. Qua đó, đã tiếp cận, thông tin đến 100% doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến nay là 1.376 doanh nghiệp, với số lao động là 34.971 người.

Đến nay, có 30 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trả lương cho 12.320 lao động, với số tiền đề nghị vay là 94.346 triệu đồng. Trong đó, có 20 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn số tiền là 4.621 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 1.833 lao động và 10 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trả lương phục hồi sản xuất với 10.487 lao động, với số tiền đề nghị vay là 89.725 triệu đồng.

Đến ngày 25-2-2022, các Phòng Giao dịch NHCSXH toàn tỉnh đã tiếp nhận, phê duyệt và giải ngân hồ sơ vay của 29 doanh nghiệp tại 11 đơn vị cấp huyện với số tiền là 22.900 triệu đồng, để trả lương cho 6.883 lượt người lao động. Trong đó, giải ngân cho 20 doanh nghiệp, với số tiền 4.621 triệu đồng, để trả lương ngừng việc cho 1.833 lượt người lao động và 9 doanh nghiệp với số tiền 18.278 triệu đồng để trả lương phục hồi sản xuất cho 5.050 lượt người lao động, với lãi suất cho vay 0%, thời gian vay là 11 tháng, khách hàng không phải thế chấp tài sản. Nguồn vốn NHCSXH cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 126/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định 33/2021/QĐ-TTg là 7.500 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của ngân hàng nhà nước.

“Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh An Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách cho vay trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng để mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả nhất. Đồng thời, báo cáo kịp thời và đầy đủ, chính xác về kết quả triển khai thực hiện chính sách cho vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất trên địa bàn để các cấp, các ngành giám sát đảm bảo thực hiện chính sách công khai, minh bạch. Phối hợp các ngành tham mưu cấp thẩm quyền tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc (nếu có) của người sử dụng lao động trong quá trình tiếp cận nguồn vay vốn trả lương cho người lao động theo nghị quyết Chính phủ…”, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh An Giang Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

TRUNG HIẾU

 

Liên kết hữu ích