An Giang: Thương mại nội địa tiếp tục phát triển

10/08/2022 - 07:22

 - Ngày tháng đầu năm 2022, hoạt động thương mại nội địa tăng trưởng mạnh, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng; các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chợ trong toàn tỉnh phục hồi. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, tình hình sản xuất - kinh doanh phát triển và thị trường tiêu thụ hàng hóa có chuyển biến tích cực… góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang.

Sau 1 năm dài “gồng mình” trước dịch bệnh COVID-19, những tháng đầu năm 2022, hoạt động thương mại nội địa của tỉnh An Giang có bước tăng trưởng vượt bậc. Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt, các hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển tương đối ổn định. Đặc biệt, những tháng đầu năm trùng với lễ, Tết lớn của tỉnh và của địa phương như Tết Chol Chnam Thmay (đồng bào dân tộc thiểu số Khmer), Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam… nên khách trong và ngoài tỉnh đến các điểm tham quan, khu du lịch trong tỉnh rất đông, sức mua cũng tăng đột biến.

Các doanh nghiệp (DN) tăng cường nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn với giá cả hợp lý nên thu hút khách hàng đến tham quan mua sắm. Cùng với đó, tỉnh cũng triển khai nhiều hoạt động thương mại, như: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Ngày hội mắm tại TP. Châu Đốc; Hội chợ thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang 2022… tạo không khí vui chơi, mua sắm sôi động. Từ đó, góp phần tăng doanh thu từ nhu cầu mua sắm người dân trong tỉnh và du khách.

Theo Sở Công Thương An Giang, trong 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 47.012 tỷ đồng, tăng 10,28% so cùng kỳ, tăng 4,39% so với kịch bản tăng trưởng của tỉnh và đạt 52,35% so với kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 32.953 tỷ đồng, tăng 9,85% so cùng kỳ, đạt 97,75% so với kịch bản tăng trưởng (33.710 tỷ đồng) và đạt 55,36% so với kế hoạch năm (59.518 tỷ đồng).

Thương mại nội địa những tháng đầu năm tăng cao so cùng kỳ

Có được con số ấn tượng trên, Sở Công Thương An Giang tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh…Đơn vị đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tham gia bình ổn thị trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; mời DN tỉnh tham gia bình ổn thị trường năm 2022 và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2023. Đồng thời, tăng cường thông tin về tình hình thị trường hàng hóa, sản phẩm; các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng lên mạng xã hội, qua hệ thống thông tin đại chúng...

Ngành Công Thương còn hỗ trợ các DN phát triển các cửa hàng tiện lợi để kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nông sản an toàn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đồng thời, thực hiện khảo sát mặt bằng tại một số địa phương để đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại...

Sở Công Thương An Giang còn triển khai Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đến nhiều địa phương trong tỉnh. Qua đó, tạo thêm nhiều cơ hội cho DN tiếp cận thị trường, đặc biệt là thị trường nông thôn. Từ đó, từng bước xây dựng mạng lưới kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam… Đồng thời, góp phần ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng…

Sở Công Thương An Giang còn triển khai các hoạt động hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, trạm xăng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời hỗ trợ các DN trong việc tiếp cận với các sàn thương mại điện tử nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường; các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Các tháng cuối năm 2022, ngành Công Thương sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu đã đề ra theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, Sở Công Thương tiếp tục theo dõi thông tin diễn biến tình hình giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, phân bón… để kịp thời tham mưu UBND tỉnh các giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Ngoài ra, đơn vị sẽ phối hợp các đơn vị liên quan, tiếp tục triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa tham gia bình ổn thị trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tăng cường mở rộng các điểm bán hàng bình ổn, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về vùng nông thôn, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa… để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương còn tiếp tục tổ chức hiệu quả Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện, thị xã, thành phố; triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, siêu thị, trường học, hệ thống cửa hàng xăng dầu… Đồng thời, tăng cường mời gọi nhà đầu tư xây dựng mới các công trình phát triển hạ tầng thương mại, phát triển các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh để kinh doanh hàng hóa thiết yếu, nông sản an toàn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân; tiếp tục thực hiện chương trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

ĐỨC TOÀN