An Giang tích cực triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

03/07/2024 - 09:11

 - Trên địa bàn tỉnh An Giang, công tác giảm nghèo được cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, tổ chức chính trị quan tâm, thực hiện đồng bộ, mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận được nguồn vốn, mô hình sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Hạ tầng ở huyện nghèo Tri Tôn được đầu tư

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là chương trình giảm nghèo), trên cơ sở các văn bản của trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Cùng với đó, triển khai, quán triệt đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo.

Đặc biệt, trong công tác chỉ đạo, tỉnh An Giang đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc nhắc nhở các ngành, địa phương cần quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn chương trình theo quy định.

Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang Châu Văn Ly cho biết, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo năm 2024 hơn 436 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn năm 2022 và năm 2023 kéo dài sang năm 2024 gần 91 tỷ đồng; nguồn vốn phân bổ năm 2024 là trên 275 tỷ đồng (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương), còn lại huy động hợp pháp khác và vốn dân đối ứng.

Chú trọng các giải pháp đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Đến nay, tỉnh An Giang đã giải ngân được hơn 73 tỷ đồng, đạt 20,00%, trong đó, vốn đầu tư phát triển đạt tỷ lệ 41,56%; vốn sự nghiệp đạt 7,57%. Nguồn vốn tập trung cho các dự án: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.

Ông Châu Văn Ly cho hay, công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2024 từ nguồn ngân sách Trung ương và nguồn ngân sách địa phương cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ. Mặc dù nguồn lực còn hạn chế, nhưng vẫn bố trí nguồn lực của tỉnh thực hiện chương trình bảo đảm theo quy định (đối ứng 10%).

Các dự án thuộc chương trình giảm nghèo được triển khai theo đúng quy định, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và do các hộ dân (cộng đồng) đề xuất trên cơ sở khả năng, nhu cầu và điều kiện thực tế của các hộ tham gia, từ đó góp phần vào thành công các dự án. Đời sống tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Chương trình giảm nghèo đã hỗ trợ cho người dân phát triển sinh kế, cải thiện đời sống

“Có thể khẳng định chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh An Giang khẳng định phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Chương trình được thiết kế cân đối, phù hợp, cơ bản đảm bảo hỗ trợ cho các đối tượng; việc bố trí nguồn lực thực hiện đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của địa phương; phân cấp, quản lý cho địa phương trong thực hiện chương trình góp phần thực hiện hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra” – ông Châu Văn Ly chia sẻ.

Đối tượng trọng tâm trong chương trình là người nghèo, người dân sinh sống ở vùng khó khăn và địa bàn huyện nghèo; thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm; các dự án, hoạt động của chương trình đều hướng tới hỗ trợ người nghèo có sinh kế, việc làm, thu nhập, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững; hỗ trợ địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Ngày 1/7, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp và làm việc với đoàn giám sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh An Giang. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn giám sát.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn An Giang còn nhiều tồn tại, khó khăn.... đã được tỉnh trình bày, chia sẻ tại buổi làm việc với đoàn giám sát.

Tỉnh đã kiến nghị cần xem xét, tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nghèo đã thụ hưởng từ các chương trình nhà ở khác cách đây trên 10 năm và hiện nay nhà ở đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn xác định đối tượng “người lao động có thu nhập thấp” để hỗ trợ đào tạo nghề. Ngoài ra, kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét hỗ trợ tăng thêm kinh phí xây dựng để đảm bảo nhà ở được hoàn chỉnh hơn, do hiện giá vật tư và công thợ tăng cao.

MỸ HẠNH