An Giang tiếp tục đánh vào đầu nậu, đường dây buôn lậu lớn

27/01/2023 - 03:44

 - “Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục đạt những kết quả trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục đánh vào đầu nậu, đường dây buôn lậu lớn. Việc này nhằm xóa tận gốc các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, không để phát sinh “điểm nóng” trên địa bàn…” - đại tá Bùi Tấn Ân, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phụ trách Cơ quan Thường trực 389 tỉnh An Giang thông tin.

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Trần Anh Thư trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác chống buôn lậu năm 2022

Đại tá Bùi Tấn Ân, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phụ trách Cơ quan Thường trực 389 tỉnh An Giang trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu

Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an làm việc với Công an tỉnh An Giang

Từ quan điểm

Theo đó, mục tiêu của chỉ đạo này là không để phát sinh “điểm nóng” trên địa bàn. Đấu tranh với buôn lậu để bảo vệ cộng đồng doanh nghiệp (DN), người làm ăn chân chính, người tiêu dùng và nền sản xuất trong nước. Thực tế công tác này cho thấy, khi hệ thống chính trị cùng quyết tâm vào cuộc, buôn lậu sẽ “không còn đất sống”.

“Chỉ đạo đánh vào đầu nậu, đường dây buôn lậu lớn là đánh vào tận hang ổ trùm buôn lậu. Theo tôi, chỉ đạo này sát thực tế. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã xử lý vấn đề từ cái gốc, có vậy thì công tác đấu tranh mới mang lại hiệu quả” - ông Trần Văn Đoàn (phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) phân tích.

Theo ông Đoàn, nhờ đánh vào đầu nậu, đường dây buôn lậu lớn, lực lượng chức năng từng bước phát hiện, bốc gỡ các đường dây buôn lậu đường cát, vàng, đô-la, thuốc lá, hàng gian, hàng giả; DN trốn thuế... Từng bước đưa các “tên tuổi”, như: Tỷ đường, Mười Tường, Trần Trí Mãnh, Trang Kiến Cường, Ngô Phú Cường và nhiều đối tượng khác ra ánh sáng pháp luật.

“Trước đây, xe gắn máy chở hàng lậu chạy trên đường rầm rộ, thường xuyên gây ra tai nạn giao thông. Thời điểm đó, khi tham gia giao thông, tôi thấy sinh mạng con người rất mong manh. Nay, tình trạng này đã chấm dứt, TP. Châu Đốc đã bình yên, bà con rất vui mừng” - bà Nguyễn Thị Lệ (phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc) bày tỏ.

Bà Lệ còn cho biết, tại phường Vĩnh Nguơn hiện nay, đối tượng buôn lậu không còn dám manh động. Những ai là đối tượng nằm trong các đường dây buôn lậu vàng, đô-la, đường cát... đã bị bắt. Số chưa đủ chứng cứ để truy tố trách nhiệm hình sự thì chuyển nghề, làm công nhân ở khu công nghiệp, người thì theo các tàu cá đánh bắt xa bờ, xóm làng rất bình yên.

đến chiến công

“Theo dõi công tác của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thời gian qua, điều tôi tâm đắc nhất ở lực lượng này là các thành viên đã biết vận dụng một cách bài bản, linh hoạt và có hiệu quả tư tưởng “Dân là gốc”, dựa vào dân để chống buôn lậu. Việc này, một mặt chúng ta có thông tin về đối tượng, đường dây; mặt khác, vận động nhân dân không tiếp tay, bao che cho buôn lậu” - ông Lư Văn Tám (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) khen ngợi.

Ông Tám dẫn chứng, thời điểm trước năm 2018, tại địa bàn xã Vĩnh Xương, nhiều DN đổ về đây thuê, mua đất xây dựng cơ sở sản xuất đường phèn. Thời đó, nguyên liệu làm ra đường phèn chủ yếu lấy đường cát Thái Lan (nhập lậu). Đêm khuya, những nhà xung quanh lò đường chẳng ai ngủ được, cả xóm mất an ninh trật tự. Ngay khi có chủ trương dựa vào dân để chống buôn lậu, lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ, đưa ra phương án đấu tranh. Thời điểm đó, với số lượng 7 lò sản xuất đường phèn, bình quân mỗi ngày có hàng chục tấn đường cát Thái Lan được nhập để nấu đường phèn. Song, kể từ khi lực lượng chống buôn lậu thị xã vào cuộc, các cơ sở này nghỉ gần hết.

“Ban Chỉ đạo 389 TX. Tân Châu yêu cầu, chủ cơ sở nào muốn theo nghề sản xuất đường phèn, buộc phải di dời về Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành) . Ai không đi thì chuyển đổi ngành nghề, vì khu vực xã Vĩnh Xương không nằm trong quy hoạch sản xuất đường phèn...” - Phó Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng ban Chỉ đạo 389 TX. Tân Châu Trần Hoàng Hải thông tin.

Một trong những thành tích mà lực lượng công an lập được trong thực hiện chủ trương đánh vào đầu nậu, đường dây buôn lậu lớn là các chuyên án đấu tranh bắt giữ đường cát, vàng, đô-la từ Campuchia về Việt Nam. Mở đầu là chuyên án bắt  “trùm buôn lậu” vàng Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, ngụ ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, huyện An Phú).

Chuyên án này khởi đầu trưa 30/10/2020. Thời điểm đó, công an đã bắt giữ Trần Văn Hải (ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú) vận chuyển trái phép 51kg vàng, trị giá hơn 71 tỷ đồng, từ Campuchia về khu vực ấp Vĩnh Chánh 1 (phường Vĩnh Nguơn). Sau đó, bắt trùm buôn lậu Mười Tường và hàng loạt đối tượng buôn lậu, làm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022 khép lại, đây là năm Ban Chỉ đạo 389 tỉnh có nhiều nỗ lực, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn. “Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xác định, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả là việc làm thường xuyên, lâu dài, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia.

Từ đó, chúng tôi thường xuyên quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các ngành chức năng, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh về công tác này, không để phát sinh “điểm nóng” trên địa bàn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Trần Anh Thư thông tin.

Bên cạnh việc xác lập các chuyên án để đấu tranh, Ban Chỉ đạo 389 từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức từ trong hệ thống chính trị đến ngoài nhân dân, không sử dụng hàng lậu, không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, mạnh dạn tố giác hành vi buôn lậu, làm hàng gian, hàng giả. Đẩy mạnh mời gọi các DN về đầu tư, xây dựng nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp, tạo nhiều việc làm cho lao động ở biên giới.

Tăng cường tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để chuyển đổi nhận thức của người tiêu dùng, nhất là người dân khu vực biên giới, hạn chế tiêu dùng hàng nhập lậu, như: Xà bông, đường cát, thuốc lá, gạo, rượu, bia, hàng điện máy, điện lạnh... nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam. Ghi nhận thành tích của An Giang, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tặng bằng khen cho 7 tập thể, 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả năm 2022.

“Tinh thần chỉ đạo trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh là “không có vùng cấm, trường hợp ngoại lệ”. Không để lực lượng làm nhiệm vụ bị mua chuộc, nhúng chàm. Yêu cầu đặt ra đối với lực lượng này là phải thường xuyên rèn luyện, trau dồi đạo đức, không để tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có vậy mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh.

MINH HIỂN