An Giang tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ

04/08/2021 - 13:23

 - Sáng 4-8, UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố để sơ kết tình hình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nguyễn Thanh Bình tham dự hội nghị.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Văn phòng UBND tỉnh An Giang

Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố tham dự cuộc họp tại điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp     

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại cuộc họp

Theo báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh An Giang, tính đến nay, An Giang đã áp dụng giãn cách xã hội 18 ngày, đa số người dân đã ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt, kinh doanh, mua bán… phù hợp trong tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để, số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại một số địa bàn tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đến hết ngày 15-8-2021.

Để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, các địa phương đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ Chỉ thị 16/CT-TTg của người dân. Từ ngày 15-7 đến 2-8, các lực lượng chức năng của 11 huyện, thị xã, thành phố đã kiểm tra 3.963 trường hợp vi phạm quy định Chỉ thị 16/CT-TTg, qua đó đã xử phạt hành chính 1.552 trường hợp, với số tiền trên 2,7 tỷ đồng, đang chờ xử lý 2.411 trường hợp.

Thực hiện công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, toàn tỉnh đã tổ chức 110 địa điểm theo mô hình “Cửa hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng” và “Quầy hàng 0 đồng” cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho trên 30.000 lượt hộ dân, trị giá trên 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có trên 44.800 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn… được các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, với tổng số tiền và hiện vật trên 40 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách hỗ trợ 13.978 người bán vé số lưu động của 11 huyện, thị xã, thành phố, với tổng số tiền trên 20,9 tỷ đồng.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung ứng cho người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm, gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng. Tỉnh đã thành lập Tổ phản ứng nhanh, bộ phận giúp việc hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trong tình hình dịch COVID-19. Bên cạnh đó, UBND tỉnh An Giang đã phối hợp các tỉnh trong khu vực và TP. Hồ Chí Minh, hỗ trợ việc tham gia “luồng xanh” theo chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, các huyện, thị xã, thành phố đã có những cách làm hay để hỗ trợ người dân gặp khó khăn, đồng thời đã triển khai công tác phòng, chống dịch bằng những cách làm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Từ đó đã mang đến những kết quả khả quan trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg vẫn còn một số hạn chế, như: còn nhiều người dân ra đường, còn có sự giao lưu giữa các gia đình với nhau, các cửa hàng không thiết yếu vẫn còn mở cửa, các doanh nghiệp hoạt động chưa đảm bảo tốt quy định phòng, chống dịch…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình lưu ý, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, phải kiểm soát chặt chẽ các phương tiện từ ngoài tỉnh vào; khi phát hiện có ca nhiễm COVID-19 phải tổ chức khoanh vùng, truy vết nhanh các trường hợp F1, F2 không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Khi thực hiện cách ly các F1 phải phân loại đối tượng nguy cơ cao, nguy cơ thấp để cách ly phù hợp,  tránh lây nhiễm chéo. Đồng thời, cần xây dựng các khu tập kết nông sản để thương lái đến thu mua tránh để thương lái di chuyển nhiều nơi trên địa bàn.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống dịch; phát huy vai trò Tổ phòng, chống dịch cộng đồng tại các địa phương để kịp thời phát hiện người về từ vùng dịch và từ các địa phương khác. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ,  xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đối với việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 phải nghiêm túc, đảm bảo các biện pháp, phòng chống dịch…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh An Giang, sự chung tay, đồng lòng của nhân dân và các nhà hảo tâm trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhận định, tình hình dịch bệnh trong nước và tại các tỉnh phía Nam đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên An Giang đã chủ động, dự báo tình hình, kích hoạt sớm các biện pháp phòng, chống dịch và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cùng với đó, lãnh đạo tỉnh và cả hệ thống chính trị An Giang luôn đồng thuận nên công tác kiểm soạt dịch bước đầu đã đạt kết quả tốt.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đề nghị thời gian tới, cả hệ thống chính trị tiếp tục quyết tâm, thực hiện quyết liệt các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cần chủ động chuẩn bị các vật tư y tế, đảm bảo công tác phòng, chống dịch và điều trị hiệu quả. Bên cạnh nhiệm vụ chính là phòng, chống dịch bệnh cần phải quan tâm hoạt động sản xuất, hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản và sản xuất mùa vụ mới.

Toàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, "ai ở đâu thì ở đấy" thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, khoa học tại các cửa ngõ vào tỉnh cả đường thủy và đường bộ, đảm bảo lưu thông hàng hóa trên cơ sở bảo đảm phòng, chống dịch. Kiểm tra hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện sản xuất tại chỗ, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Các đồng chí trong ban chỉ đạo phòng, chống dịch và lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về công tác phòng, chống dịch tại địa phương mình. Đối với các hành vị vi phạm phòng, chống dịch cần phải nghiêm trị theo pháp luật. Chủ động chăm lo đầy đủ điều kiện sinh hoạt, điều kiện phục vụ công tác, nhất là thực hiện tốt việc phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh đối với lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền để nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch; vận động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cũng như tiếp tục thực hiện công tác hỗ trợ cho người dân An Giang tại TP. Hồ Chí Minh và người dân trong vùng dịch tại các địa phương khác…

MỸ LINH – DUY ANH